Triệt Như - Tâm Tình Với Nhau - Bài 84
CÁI GÌ ĐẸP NHẤT TRẦN ĐỜI?
Ngày xưa, mỗi khi bắt đầu câu chuyện, cô thấy mình buồn cười cho mình. Giống kể chuyện cổ tích, thiệt ra cô thấy mình kể chuyện “một ngàn lẻ một đêm” thì đúng hơn. Kể hoài không bao giờ hết.
Ngày xưa, lúc cô khoảng chín, mười tuổi gì đó. Khi lên học trung học là xa nhà rồi. Tuổi thơ lúc đó không có trò chơi nào, nhất là con gái, chỉ là nhảy cò cò, chơi đánh đũa, nhảy dây, và còn một trò chơi thích thú lắm, là thổi bong bóng. Nhà ba má cô có trồng một cây đu đủ. Lấy một cọng lá đu đủ đã vàng nhưng còn trên cây, cắt bỏ lá đi, và cắt bớt đầu bên kia, còn lại một khúc vừa xài. Nếu cọng dài quá thì hơi mình ngắn thổi không tới. Rồi lấy cục xà bông đá. Lúc đó, xà bông thơm chỉ để rửa tay, rửa mặt. Xà bông đá không thơm, rẻ tiền hơn, để giặt giũ, rửa chén v.v... Lấy cục xà bông đá ngâm trong một cái chén có chút nước lạnh. Khi quậy lên có bọt nổi nhiều là được. Nếu ít xà bông thì bong bóng sẽ bể mau lắm. Rồi mình chấm một đầu cọng đu đủ vào chén nước xà bông, lấy ra, giơ cọng đu đủ ngang tầm mắt, từ từ thổi nhẹ nhẹ. Cái bong bóng sẽ lớn dần lên, muốn nó rời ra, mình lắc nhẹ cọng đu đủ. Bong bóng bay ra không gian, lơ lửng, lung linh, nhiều màu sắc, xanh, đỏ, vàng, tím, huyễn ảo, tươi thắm, lấp lánh. Thiệt là đẹp. Rồi thoáng cái, nó biến mất. Lại thổi nữa. Muốn có nhiều bong bóng cùng lúc, mình chấm nước xà bông nhiều hơn, rồi thổi mạnh hơn, vừa nhú ra một cái nho nhỏ thì mình gạt nó ra, tiếp tục thổi nữa, có khi tuôn ra mấy cái một lượt. Mỗi cái bong bóng lấp la lấp lánh màu sắc ảnh hiện, thay đổi theo cảnh chung quanh, xanh đỏ, tím vàng... Mở tròn mắt tới gần hơn, nhìn cho kỹ cảnh thần tiên trong đó, thì thấy có gương mặt mình lung linh, mờ ảo. Rồi cũng biến mất, chưa kịp nhìn thỏa thuê.
Đó là “cái đẹp nhất trần đời”, những cái bong bóng nước, tuổi thơ say mê nó, mà cho tới khi trưởng thành, một thời gian dài, cô cũng còn nhớ, còn thương cái bong bóng nước. Thương cái bong bóng nước, hay thương quãng đời ngây thơ bên cha mẹ anh em, hay thương cái quãng thời gian còn ngày ngày ôm cặp sách tới trường. Thấy cái phương trời yêu dấu đó nó cũng lung linh huyễn ảo, mộng và mơ, thơ và nhạc, trong một thoáng, xanh đỏ tím vàng đó, nó cũng vụt biến mất, như cái bong bóng nước, là cái tuổi thơ của mình.
Bây giờ cô cũng thấy cái bong bóng nước là cái đẹp nhất trần đời. Cái Tâm cũng y hệt cái bong bóng nước. Tâm cũng biến hóa đủ màu sắc, theo cảnh chung quanh, trong chớp mắt nó đã thay đổi, cũng lung linh, lấp lánh, lúc thế này, khi thế khác, vui, cười, buồn, giận, nhớ, tiếc, khi thương, khi ghét, lúc lặng yên, khi nổi sóng... do biết bao nhân duyên mà ảnh hiện ra rồi biến mất, rồi lại ảnh hiện ra, cũng biểu hiện cái vô thường, cái duyên sinh, cái sanh, cái diệt, cái trống không, cái như huyễn như mộng. Cái bong bóng nước chỉ là như vậy. Cái tâm cũng chỉ là như vậy thôi.
Cái tướng và cái tánh của bong bong nước cũng là cái tướng và cái tánh của tâm. Cho nên cô thấy tâm cũng là cái đẹp nhất trần đời.
Chiếc lá khô trên cành kia, khóm mây trắng lững lờ, cọng cỏ nhỏ xíu trong vườn, cũng thay thế Đức Phật mà giảng những chân lý của cuộc đời, thì cũng là cái đẹp nhất trần đời. Tất cả chung quanh mình đều là “sứ giả Như Lai”, đều hiển hiện cái vô thường, cái duyên khởi trùng trùng, cái sanh diệt, cái trống rỗng, hư huyễn, cái tuần hoàn... Tất cả, trong thầm lặng, đang sống động từng phút giây, đang nhắc nhở Chánh Pháp cho mình. Sao mình còn đi tìm Chánh Pháp nơi nào khác nữa.
Chính mình cũng là cái đẹp nhất trần đời, khi mình thầm lặng, mới thực sự là thể nhập Chánh Pháp. Còn dùng ngôn ngữ thì đã đi xa rồi. Ngôn ngữ chỉ chạm đến bên ngoài, càng dùng văn chương hoa mỹ lại càng đi xa hơn.
Tuy nhiên, ngôn ngữ chính nó cũng biểu hiện vô thường, cũng duyên sinh, cũng sanh diệt, cũng trống không giả tạm, cũng như huyễn, cũng như vậy. Ngôn ngữ cũng là tướng giải thoát, trong kinh Duy Ma Cật nói, cũng như tất cả hiện tượng thế gian đều là tướng giải thoát, bình đẳng.
Khi mình thấy rõ ràng những cái đẹp nhất trần đời rồi, thì trước mắt mình là cảnh giới nào. Chúng ta suy gẫm thì biết mình là ai?
Hôm qua cô viết tới đây là chấm hết bài. Tuy nhiên thấy chưa đủ ý, sáng nay lại viết tiếp.
Khi mình thực sự nhìn tất cả là bình đẳng, mình sẽ không còn băn khoăn người này siêng làm, người kia lười hơn, bài văn này thích hợp, bài kia chưa chỉnh v.v... mình sẽ không còn cầu mong người ta phải hoàn toàn tốt theo ý mình. Trên cõi đời làm sao có ai hoàn hảo, làm sao có cái gi tuyệt đối tốt. Đây là ý chủ quan của mình thôi.
Vì thế, cái thấy tất cả đều giả tạm, trống rỗng, không có lõi cứng, biến hóa như chiêm bao, lung linh như trò ảo thuật, đó là cái thấy của bản thể, bản chất, hay bản tánh. Nó giúp mình “thả nổi” trên biển đời, không còn chìm đắm trong dòng bộc lưu của đắm say hay cố chấp nữa.
Nhưng khi tiếp cận với người khác, mình phải tỉnh thức sống trong thực tế, phải làm các việc lành, tránh các việc ác, đây là đạo lý của thế gian. Chứ không phải: việc lành, việc ác là trống không, là bình đẳng... rồi mình sống bừa bãi, “không có tội hay phước, tội hay phước là bình đẳng”, đây là rơi vào đoạn kiến, phủ nhận qui luật tương quan nhân quả, hay nghiệp báo.
Kết lại, con đường tu cần phải có trí tuệ, biết ứng xử thích hợp trong nhiều hoàn cảnh khác nhau trong cuộc đời. Khi thì theo chân lý của đời, của hiện tượng, mình quen gọi tục đế bát nhã khi thì theo chân lý của bậc thánh, của bản thể, mình gọi là chân đế bát nhã.
Mình đã biết Phật pháp rồi, mình không có cái nhìn theo thế gian nữa (tục đế) cố chấp vào quan điểm chủ quan của mình, cái gì cũng là thực sự xảy ra v.v... đưa tới buồn phiền, bực bội, khổ đau.
Muốn bớt khổ, chúng ta phải đem bửu bối “vô thường, vô ngã, hay không thực chất tánh, do duyên sinh, do nhân quả nghiệp báo” ra mà soi xét việc đời (tục đế bát nhã) thì nhẹ bớt khổ đau.
Nếu muốn vượt lên khỏi ảnh hưởng của đời, không bị lay chuyển vì các cuốn hút cám dỗ, các hoàn cảnh ngang trái, xung đột trong đời, mình phải tung bửu bối sắc bén hơn, phải thấy bản thể cuối cùng của cuộc đời là huyễn mộng, trống rỗng, tâm sẽ dừng lại, thấy biết “như vậy là như vậy” (chân đế bát nhã). Bây giờ là mình đi trên cuộc đời, như Thầy mình đã từng nói:
“Ta trong đời, mà bụi đời ta chẳng dính,
Ta trong đời, mà Định- Huệ chẳng rời ta”
Cuối cùng, cái gì đẹp nhất trần đời?
Phật, chư Phật, tánh Giác Ngộ đep nhất trần đời.
Chánh pháp (những chân lý của cuộc đời mà Phật dạy), chư Pháp (tất cả hiện tượng thế gian) đều thể hiện chánh pháp, nên đều là đẹp nhất trần đời.
Tăng, Bản thể Hài hòa tuyệt đối, đẹp nhất trần đời.
Và cái Thấy Biết những điều này, cũng đẹp nhất trần đời.
Bởi vậy kinh Pháp cú ( câu 194) mới nói:
"Vui thay, Phật ra đời!
Vui thay, Pháp được giảng!
Vui thay, Tăng hòa hợp!
Hòa hợp tu, vui thay!"
Tổ Đình, 24- 12- 2020
TN
Là đẹp nhất trần đời.
Chỉ có thấy không lời.
Chỉ có nghe không lời.
Chỉ có xúc không lời.
Chỉ có biết không lời.
Chánh Pháp tìm đâu xa.
Không lời là Chánh Pháp.