HỘI THIỀN TÁNH KHÔNG TRUNG ƯƠNG

Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm

23 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 13261)

Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm

 

 

Trích phần Hỏi Đố trong Tập san Tánh Không 2008 từ trang 12.

Nhân thấy mấy tấm bảng treo trên tường, Thầy hỏi đố các Thiền sinh như sau:

Thầy: Tụi con có biết câu bút pháp “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm” trên tường là của ai không?

Một Thiền sinh trả lời: Dạ thưa Thầy, nếu nói đúng theo câu từ trước kia Sư Ông đã dạy thì câu đó của Ngài Lục Tổ Huệ Năng. Còn bây giờ trước mắt con thấy là “Không sợ vọng tưởng, chỉ sợ giác chậm”. Như vậy, chỗ này con thấy 2 chữ “vọng tưởng” cũng đồng nghĩa với “niệm khởi”. Nhưng người nói ra câu sau, con không biết là ai. Con không dám suy luận. Chỉ áp dụng thấy biết như thật thôi! Là “không sợ vọng tưởng chỉ sợ giác chậm”.

Thầy: Con có thể giải thích ý nghĩa câu Lục Tổ nói không?

Thiền sinh: Dạ, Lục Tổ dạy người tu Thiền chớ có sợ niệm bất chợt khởi lên, mà chỉ nên sợ là khi niệm khởi mà mình không biết hay biết chậm thì mình sẽ bị niệm đó dẫn tâm mình đi lang thang. Đó là lúc mình suy nghĩ, hoặc cảm nhận, cảm thấy, hay nói chuyện qua lại với mình về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống hằng ngày. Nó làm cho tâm mình luôn dao động. Chính những dao động đó làm cho mình chẳng những không định được mà lại còn huân tập thêm những dính mắc.

Thầy: Được! Nhưng dài quá. Vị nào nói lại cho gọn?

Thiền sinh khác: Thưa Thầy, con xin góp ý như sau. Bằng tỉnh thức biết, nếu kinh nghiệm được vững chắc, người tu sẽ không sợ niệm khởi! Đó là mình không đợi niệm khởi lên rồi mới biết (tức là giác). Có nghĩa khi tỉnh thức biết có mặt, vọng tưởng không thể khởi lên.

Thầy: Hay! Nhưng vẫn chưa “vô khớp”. Vậy vị nào có thể nói rõ và ngắn gọn hơn không?

Thiền sinh: Dạ, khi thực hành Thiền, con thực tập cách thầm nhận biết qua các giác quan để làm cho tánh nhận thức biết từ lần có mặt; cho đến khi con thường biết rõ ràngvững chắc trong 4 oai nghi, lúc đó con không còn sợ vọng tưởng hay niệm khởi nữa.

Thầy: hay! Yêu cầu giải thích chỗ đó cho rõ hơn! Tức là vì sao bằng thầm nhận biết, con không sợ vọng tưởng hay niệm khởi nữa?

Thiền sinh: Vì bằng “thầm nhận biết”, tầm và tứ đều không có mặt, lúc đó vọng tưởng không thể nào có mặt. Như vậy đâu cần lo là mình “giác” chậm hay “giác” nhanh nữa! Trong 4 oai nghi hoặc có tiếp xúc hay không tiếp xúc với nhân duyên bên ngoài, tánh biết, tức tánh giác, vẫn hằng có mặt, nên không sợ vọng tưởng.

Thầy: Chưa “vô”! Ai giải thích cho “vô khớp” được?

Thiền sinh: “Vọng tưởng” là sự nói thầm. Nếu thực tậpđạt được không nói thầm trong 4 oai nghi vững chắc; lúc nào mình cũng biết rõ ràng những điều xảy ra trong môi trường chung quanh, thì phù hợp với câu của Lục Tổ. Thưa, “trúng khớp” không Thầy?

Thầy cười: Trúng!

Bây giờ đến câu thứ hai là “Chánh Pháp Nhãn Tạng”.

Thầy hỏi: Vị nào nhớ điển tích này xảy ra trong trường hợp nào? Tiếp theo là xin nói cho biết ý nghĩa điển tích đó?

Thiền sinh: Thưa Thầy, con xin nói thử. Nếu có chỗ nào trật hay thiếu xin các bạn sửa hoặc thêm vào cho đúng.

Thầy: Được! Nói đi.

Thiền sinh: Theo lịch sử Thiền tông Trung quốc ghi lại thì trên Hội Linh Sơn, trước các đệ tử đã đắc quả A La hán, Đức Phật im lặng, từ từ đưa cành hoa sen lên trước đại chúng. Rồi nhìn đại chúng. Không ai biết được ý Phật muốn hỏi gì. Tất cả nhìn nhau ngơ ngác. Ngay khi đó, ngài Đại Ca Diếp nhìn hoa mĩm cười. Liền lúc đó, Đức Phật công bố trước đại chúng: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng; nay trao truyền cho Đại Ca Diếp”! Đó là điển tích “Niêm hoa vi tiếu” của lịch sử Thiền tông Trung Hoa.

Thầy: Hay! Giải thích ý nghĩa Đức Phật trao truyền cái gì cho ngài Đại Ca Diếp được không?

Thiền sinh: Đại ý câu nói trên là Thiền tông Trung Hoa nhằm đề cao cốt lõi tinh túy Phật pháp là “chân như” và “tánh nhận thức biết”.

Thầy: Giải thích chỗ nào là “Chân như”?

Thiền sinh: Thưa Thầy, “thật tướng vô tướng” đó chính là “Chân như”. Vì “Chân như” tuy có tên gọi, có sự hình dung ra được, mà qua giác quan, không ai thấy được “Chân như” là như thế nào, nên chư Tổ Thiền sư Trung Hoa, khi đã nhận ra cốt lõi tinh túy Phật pháp rồi, các ngài mô tả nó là “tuy có tướng đó, nhưng vì không thể nào thấy được hình dáng nó ra sao cả, nên các ngài gọi là “thật tướng vô tướng”.

Thầy: Cô có nhận ra được “chân như” không?

Thiền sinh: Dạ được!

Thầy: Bằng cái gì để nhận ra?

Thiền sinh: Dạ, bằng “tánh nhận thức biết”!

Thầy: Giải thích!

Thiền sinh: Vì tánh nhận thức biết là trung tâm của 3 tánh: tánh thấy, tánh nghe, và tánh xúc chạm! Nếu bằng tánh thấy để nhận ra đối tượng, nó được xem là “kho tàng của mắt”, bằng tai nó được xem là kho tàng của tai, bằng xúc chạm, nó được xem là kho tàng của sự xúc chạm.

Thầy: Khá lắm! Bây giờ con thử trả lời thật nhanh nhe!

Thiền sinh: Dạ!

Thầy: “Chánh Pháp” là gì?

Thiền sinh: Thưa Thầy, là “Tatha”, tức “Như” và “Tathata” tức “Như tánh” hay “Chân như”.

Thầy: Giải thích?

Thiền sinh: Vì sự thành đạo của Phật gồm 2 giai đoạn. Cả 2 giai đoạn đó đều đạt trên trạng thái “tâm Như” hay ‘tâm Như vậy”, tức “tâm Tatha”. Tâm này ngoài lời. Phật gọi là trạng thái “ngoài lời” là “atakkavacara”. Đây là lý do vì sao Phật đã tự xưng Ngài là “Tathagata” tức “Người đến như vậy”. Người Trung Hoa dịch là “Như Lai”.

Thầy: Khá! Nhưng chưa rõ. Nói thêm cho rõ ràng đi!

Thiền sinh: Thưa Thầy, chỗ này “không lời” mà! Atakkavacara mà!

Thầy cười. Mọi người cũng cười theo.

Giai đoạn thứ nhất, trong tầng Thiền thứ Tư, Phật nhận ra ba Minh. Trong minh thứ ba, Phật nhận ra 3 điều quan trọng liên hệ đến chuyển đổi nhận thức, thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát đầu mối luân hồi sinh tửlậu hoặc và cách chấm dứt lậu hoặc. Phật nhận ra Pháp giới tánhPháp tánh cũng bằng trạng thái “tâm tatha”. Qua 2 tiến trình nhận ra này, Bồ tát Gotama trở thành vị Phật lịch sử. Nên tiến trình thứ nhất được xem Phật chứng ngộ ba Minh. Trong đó Minh thứ ba, Phật chứng ngộ Tứ Đếhoàn toàn chấm dứt nhân tố Luân hồi sinh tử.

Thầy: Pháp giới tánh là gì?

Thiền sinh: Thưa, Chân như! Bốn đặc tánh của hiện tượng thế gian: thứ nhất là Như tánh, thứ hai là Bất ly Như tánh, thứ ba là Bất dị tánh, thứ tư là Y duyên tánh. Trong Y duyên tánh có thêm Lý duyên khởi, Pháp duyên sinh. Qua hai trường hợp chứng ngộ này, Phật trở thành vị Phật lịch sử. Do đó, Pháp đưa đến sự thành đạo của Phật là Chánh pháp.

Thầy: Dài lắm! Nói lại cho gọn đi!

Thiền sinh: Chánh pháp là pháp đưa người thực hành đến nơi thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát tối hậu. Nó chính là “Chân như”.

Thầy: Được! Khá lắm! Còn “nhãn tạng” là gì?

Thiền sinh: Thưa, “nhãn tạng” là “kho tàng của mắt”. Trong trường hợp này, “nhãn tạng” chính là nơi cất giữ thông tin từ Tánh Thấy truyền đến và cũng là nơi kiến giải thông tin qua Mắt truyền đến Tánh Thấy; rồi từ tánh Thấy truyền đến nó. Nó chính là “Tánh Nhận Thức Biết”. Nó chẵng những cất giữ thông tin từ Mắt, Mũi, Lưỡi, Thân qua 3 tánh Thấy, Nghe, Xúc chạm.

Thầy: Còn thông tin từ Ý căn thì sao? Nó có được xem là nơi thông tin từ nơi Ý và kiến giải từ nơi Ý không?

Thiền sinh: Thưa có.

Thầy: Khá lắm! Bây giờ Thầy hỏi thêm một chút. Vị nào biết thì chỉ trả lời một câu ngắn gọn mà ý nghĩa. Vậy, lý do gì mà Ngài Ca Diếp chỉ nhìn hoa, rồi mĩm cười mà Đức Phật lại trao truyền “chánh pháp nhãn tạng” cho Ngài, xem như Ngài là người kế thừa Đức Phật?

Thiền sinh: Thưa Thầy, một câu ngắn gọn thôi. Đó là tâm Tatha của Phật nhận ra trạng thái Tatha của Ngài ca Diếp. Cả hai trạng thái đều bằng “atakkavacara”

Thầy: Khá! Bây giờ câu thứ ba: “Phản quang tự kỷ” của ai đây?

Thiền sinh: Thưa Thầy, của Phật Hoàng Trần Nhân Tông tức Trúc Lâm Đại Đầu Đà.

Thầy: Nhớ giỏi!.. Thầy tạm dừng ở đây vì đã hết giờ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Tám 2010(Xem: 12528)
Bài Chia Xẻ Kinh Nghiệm Toàn Năng, Thiền sinh Tánh Không
29 Tháng Bảy 2010(Xem: 11670)
Bài Chia Xẻ Kinh Nghiệm Sư Cô Triệt Như
29 Tháng Bảy 2010(Xem: 10561)
Bài Chia Xẻ Kinh Nghiệm Thầy Không Chiếu
11 Tháng Bảy 2010(Xem: 11193)
Bài Chia Xẻ Kinh Nghiệm Thuần Ngộ, Thiền sinh Tánh Khộng
11 Tháng Bảy 2010(Xem: 10552)
Bài Chia Xẻ Kinh Nghiệm Phương Diệu, thiền sinh lớp 1 khóa IV
69,256