Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - Bài 32
Có khi người ta nói: Nam Đốn- Bắc Tiệm. Chúng ta xem lại truyện về hai ngài Huệ Năng và Thần Tú. Cả hai vị đều là đại đệ tử của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.
Huệ Năng (638-713) Ngài họ Lô (hay Lư), người xứ Tân Châu, Nam hải. Cha ngài khi xưa làm quan, không biết vì sao bị giáng chức và cả gia đình bị đày về Lãnh nam. Sau đó, cha ngài mất sớm, lúc ngài mới 3 tuổi. Nhà nghèo, ngài không được học hành, mà phải vào rừng đốn củi đem ra chợ bán, đổi lấy gạo về nuôi mẹ qua ngày. Người gầy ốm nên khi vào giả gạo nơi ngài Hoằng Nhẫn, Huệ Năng phải đeo thêm đá trên lưng mới đạp nổi cái chày.
Thần Tú (605- 706) Ngài họ Lý, người Biện Châu, huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam. Dáng Ngài cao lớn, oai nghi. Thuở trẻ đã làu thông kinh sử, Nho giáo, Lão giáo. Đến khoảng năm 50 tuổi nghe tiếng Ngũ Tổ, mới tìm đến thọ giáo, được Ngũ Tổ cho làm Giáo thọ, hướng dẫn tăng chúng mấy trăm người.
Năm 684, Vũ Tắc Thiên chấp chính, 6 năm sau đổi quốc hiệu là Chu, lên ngôi Hoàng đế. Vũ Tắc Thiên sùng kính đạo Phật, mời Đại sư Thần Tú đến Lạc Dương, bái Ngài làm Quốc sư. Năm 701, Thần Tú hơn 90 tuổi vào triều, Tắc Thiên đích thân đến quỳ lễ đón. Đại sư Thần Tú rất là khiêm tốn, tâm lượng quảng đại, nói với Tắc Thiên là Huệ Năng ở phương nam là người được truyền y bát. Tuy nhiên, khi nhận được chiếu chỉ triệu thỉnh về kinh đô, ngài Huệ Năng đã viện cớ tuổi già sức yếu từ chối.
Đại sư Thần Tú được tôn là Pháp chủ lưỡng kinh (Trường An, Lạc Dương), Quốc sư tam đế (Vũ Tắc Thiên, Đường Trung Tông, Đường Duệ Tông). Sư chủ trương “Tọa thiền tập định”, “Trụ tâm quán tịnh”.(Phải thường xuyên ngồi thiền để tu tập định lại tâm, tâm phải trụ lại để được tĩnh lặng).
Về tiểu sử của ngài Huệ Năng và Thần Tú, có rất nhiều chi tiết, ở đây, chúng ta không nhắc lại. Chúng ta chỉ thảo luận vấn đề quan trọng là hai đường lối giáo hoá của hai vị thiền sư nổi tiếng, cùng một vị bổn sư, cùng một thời đại. Đó là Đốn giáo và Tiệm giáo.
Sự khác biệt đầu tiên được thể hiện rõ nét qua bài kệ trình kiến giải với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.
Đây là bài kệ của ngài Thần Tú, đang làm Giáo Thọ đứng đầu tăng chúng trong chùa:
Thân thị Bồ-đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài,
Thời thời thường phất thức,
Vật sử nhạ trần ai.
Dịch:
Thân như cây bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng,
Luôn luôn phải lau chùi,
Chớ để dính bụi nhơ.
Thiền phương Bắc được gọi là tiệm giáo, xuất xứ từ bài kệ này của ngài Thần Tú.
Và đây là bài kệ trình kiến giải của ngài Huệ Năng khi ấy còn là cư sĩ, giã gạo trong chùa, chưa được vào tăng chúng để tu học.
Bồ-đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài,
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?
Dịch:
Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài,
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi nhơ?
Thiền phương Nam được xem là Đốn giáo, do ngài Huệ Năng xiển dương, 15 năm sau khi được Ngũ Tổ truyền y bát.
Trên đây là vài nét giới thiệu ngài Huệ Năng và ngài Thần Tú. Trọng tâm của bài viết này là tìm hiểu hai phương thức tu học, cũng là hai phương thức giáo hoá, thường chúng ta đặt tên là:
Đốn giáo- Tiệm giáo
Đốn ngộ- Tiệm ngộ
Đốn tu- Tiệm tu v.v...hay có khi cũng nói là:
Giáo pháp liễu nghĩa- Giáo pháp bất liễu nghĩa
Chân đế bát nhã- Tục đế bát nhã...v.v...
Trước nhất, ta thử tìm hiểu những kinh nghiệm sống và tu tập của ngài Huệ Năng và ngài Thần Tú, từ đó đưa tới hai phương cách giáo hoá sau này.
Sự kiện đầu tiên là ngài Huệ Năng, khoảng 24 tuổi, vẫn còn ngày ngày vào rừng đốn củi, mang ra chợ bán, đổi gạo đem về nuôi mẹ. Là một người con hiếu thảo, an phận nghèo, trong chế độ quân chủ chuyên chế, “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (Vua xử kẻ bề tôi chết thì phải chết, nếu không chịu chết thì là người không trung thành), cha mắc tội bị đày vào xứ biên địa “khỉ ho cò gáy”, không được hưởng chút quyền lợi nào, không được đi học. Gia đình ngài giống như sống bên ngoài rìa của xã hội bấy giờ. Có thể chính hoàn cảnh nghèo không được đi học đã giúp ngài Huệ Năng không vướng vào văn tự, lý luận, phân tích chi ly giáo pháp, mà sách sử gọi là “sở tri chướng” cho sự sáng đạo của hành giả thiền.
Nhưng một hôm, nhân gánh củi cho một nhà kia, chợt nghe ai đó tụng đọc câu kinh: “Bất ưng trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Không nên khởi tâm dính mắc vào bất cứ hiện tượng thế gian: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tâm không dính mắc nơi nào mới là tâm kỳ diệu), Huệ Năng chợt tỉnh ngộ, nhận ra một lối thoát cho mình. Sau khi biết đó là kinh Kim Cang, ngài Hoằng Nhẫn đang giảng dạy tại huyện Hoàng Mai, Huệ Năng nhờ được người giúp đỡ lo cho mẹ chu đáo, liền từ giả mẹ tìm đến Hoàng Mai.
Đây là cái nhân và duyên thuận lợi đầu tiên, đưa Huệ Năng trở về Phật pháp. Tuy nhiên mình cũng nhận ra Huệ Năng đã là bậc thượng căn, thông minh, sắc bén. Người đời, nghe hay đọc tụng kinh Kim Cang hoài, có mấy ai phát tâm dũng mãnh như Huệ Năng.
Sử liệu có ghi chuyện ngài Huệ Năng khi mới chào đời, có hai vị Tăng phương xa tới nhà, đặt tên cho ngài là Huệ Năng, rồi ra đi mất. Lại sử cũng có chỗ nói khi ngài mới chào đời, hương thơm toả ra khắp nhà. Điều này có nghĩa là Huệ Năng đã gieo trồng căn lành với Phật pháp từ nhiều đời quá khứ rồi. Cho nên, khi trưởng thành, Huệ Năng có thể cũng đã nhận định về cuộc đời khác với Thần Tú, vì hai hoàn cảnh sống khác nhau.
Huệ Năng mất cha khi mới 3 tuổi. Làm gì những khi rảnh rang, mẹ con lại không thầm thì gợi lại cuộc đời của người đã mất. Huệ Năng biết cha là người có học đạo thánh hiền, được làm quan, nhưng lại bị giáng chức, phải rời xa thành thị, bị đày về tận vùng biên địa, nơi hoang dã. Chúng ta đọc lại sử, đó là thời nhiễu loạn của Trung Hoa, triều đình bê tha, vua không còn quyền hành, mà người thống trị là Võ Tắc Thiên, ái phi của vua cha, sau khi vua mất, thái tử lên ngôi lại rước về làm hoàng hậu. Về sau lên ngôi hoàng đế. Con đường để lên ngôi hoàng đế, không biết bao nhiêu người đã chết. Võ Tắc Thiên đã từng bóp chết con gái mới sinh của mình để vu oan cho bà hoàng hậu khi bà tới thăm. Võ Tắc Thiên đã giết chết con trai của mình vì không muốn mất ngôi vua. Vậy trong khoảng cuối thế kỷ VII này, các triều vua Trung Hoa đổ nát, người dân phải cam chịu số phận mỏng manh của mình, biết kêu cứu với ai. Ta có thể hiểu vì sao Huệ Năng không được đi học chữ thánh hiền, không được ra góp mặt với đời, mà lối thoát duy nhất của Huệ Năng chỉ là Phật pháp. Và có thể đó cũng là lý do vì sao khi Võ Tắc Thiên viết chiếu chỉ mời Huệ Năng về kinh đô giáo hoá, Huệ Năng đã từ chối.
Sự kiện tiếp theo chứng tỏ Huệ Năng thông minh, sắc bén, hiểu thâm sâu Phật pháp, mặc dù Huệ Năng chưa từng học hỏi về giáo lý với ai, chưa từng đọc kinh sách vì ngài đâu có được đi học, đó là lời đối đáp với Ngũ Tổ buổi đầu yết kiến Ngũ Tổ. Phần này, xin lướt qua vì đã có nhiều sử liệu rồi, nếu các bạn muốn xem lại, rất dễ tìm. Về việc này mình có thể nói Huệ Năng đã nhiều lần “như lý tư duy”, còn vận dụng sự hiểu biết, lý luận, để suy gẫm về mình, về cuộc đời, và biết rằng hễ là con người bình thường, ai cũng có tánh giác ngộ như nhau. Huệ Năng cũng đã thông hiểu tới bản thể rốt ráo là tánh Không của vạn pháp. Thêm một sự kiện chứng tỏ Huệ Năng đã gieo nhiều căn lành trong quá khứ rồi, thông hiểu giáo lý rốt ráo khi chưa thưa hỏi với một vị thầy nào. Đó là bài kệ trình kiến giải của ngài, bài thi kệ nổi tiếng làm nên sự nghiệp “Thiền Đốn ngộ” cho lịch sử Thiền tông sau này.
Trong khi ngài Thần Tú, cuộc đời êm đềm may mắn hơn. Trong sử liệu không nói rõ gia cảnh của ngài, chúng ta chỉ biết ngài thuở còn trẻ, là một nho sinh, được học sách thánh hiền: Khổng tử, Lão tử. Vì thế đạo lý sống trong đời đúng theo nhân nghĩa, thể hiện qua lòng quí mến của Ngũ Tổ, cho ngài làm giáo thọ, đứng đầu tăng chúng trong chùa; toàn thể tăng chúng trong chùa cũng phục tùng ngài, nhất trí thỉnh cầu ngài đại diện mà trình thi kệ lên Ngũ Tổ. Tuy nhiên vì học hỏi nhiều kinh sách thánh hiền, lại làm giáo thọ sớm quá khi chưa sáng đạo, nên có thể cũng là một duyên khiến ngài Thần Tú chưa vào đươc chỗ “Atakkāvacara” /ngoài lý luận, ngoài lời/ không thể nghĩ bàn.
Đức hạnh của ngài Thần Tú cũng nổi bật ở điểm “tự biết mình”, khi nghe Ngũ Tổ bảo trình kiến giải để truyền Tổ vị kế thừa. Ngài đã nhiều đêm lo lắng, tâm bất an, tâm không muốn trình kệ kiến giải vì biết mình chưa thông giáo lý, nhưng hoàn cảnh lại buộc phải thay thế tăng chúng mà làm kệ. Đắn đo mãi, cuối cùng phải làm kệ. Làm xong rồi, mà vẫn chưa dám trực tiếp gặp thầy để trình. Mỗi lần quyết định gặp thầy lại toát mồ hôi. Đến đổi cuối cùng giữa đêm khuya, lén ra viết kệ lên tường, không ai biết.
Sáng ra, tăng chúng xôn xao vì bài kệ, Ngũ Tổ đọc xong, thầm biết ai làm bài kệ này, ngài thuận chúng mà đối xử tế nhị với Thần Tú, ngài dạy đại chúng hãy tụng đọc và thực hành theo. Rồi chờ đêm đến, ngài gọi Thần Tú vào phòng, hỏi riêng: “Có phải ông làm bài kệ đó không?”. Ngài Thần Tú chân thật trình thầy: “Chính con. Nhưng không mong cầu tổ vị, chỉ mong trình pháp để thầy chỉ giáo thêm”. Ngũ tổ mới cho biết là chưa thấy tánh, hảy trở ra, suy gẫm lại và trình bài kệ khác. Ngài Thần Tú lại thêm một phen không ăn không ngủ. Lúc đó lại xuất hiện bài thi kệ của ngài Huệ Năng trên tường. Tăng chúng thêm lao xao, hai bài kệ đối nhau chan chát. Ngũ Tổ đọc bài kệ thứ hai, biết ngay là ai làm, ngài ứng xử sắc bén, xóa ngay bài kệ thứ hai, miệng nói: “Chưa thấy tánh”. Tăng chúng nghe theo, trở lại tụng đọc bài kệ thứ nhất.
Nhân lúc vắng người, Ngũ tổ chống gậy đi lần ra nhà sau, thấy Huệ Năng, gầy ốm, không đạp nỗi cái chày xuống để giả gạo, lưng phải mang thêm khối đá. Ngài chạnh lòng : “Người cầu pháp phải cực khổ tới như thế! Gạo trắng chưa?” Huệ Năng trả lời: “Gạo trắng rồi, còn đợi giần sàng”. Ngũ Tổ lấy gậy gõ 3 tiếng cộc cộc cộc trên cối đá rồi im lặng bỏ đi. Hai thầy trò, người hỏi, người đáp, hiểu nhau. Có người khác quanh quẩn gần đó, cũng không tài nào hiểu.
Canh ba đêm đó, Huệ Năng thầm lặng tới phòng thầy. Ngũ tổ đã chờ sẵn, im lặng khép cửa lại cài then, lấy tấm y rộng che kỹ lại không ai có thể nhìn lén vào. Ngũ tổ nhỏ giọng bắt đầu giải thích kinh Kim Cang. Huệ Năng vẫn yên lặng quỳ dưới chân thầy, chí tâm, lắng nghe, không một niệm, tâm đã vào định, vắng lặng tịch diệt, sáng ngời. Khi nghe âm thanh “bất ưng trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm; ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, tia chớp lóe sáng:
Nào ngờ tánh mình vốn không sanh diệt,
Nào ngờ tánh mình vốn xưa nay thanh tịnh,
Nào ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ,
Nào ngờ tánh mình vốn không dao động,
Nào ngờ tánh mình vốn sinh ra muôn Pháp.
Ngũ Tổ nhìn thấy thần sắc ngài Huệ Năng, thầm biết Huệ Năng đã sáng đạo, ban y bát kế thừa ngay và dặn dò Huệ Năng ra đi ẩn mặt một thời gian, chưa được giáo hoá ngay.
Chúng ta nhắc lại những nhân duyên sáng đạo, hay triệt ngộ của ngài Huệ Năng để từ đó mình hiểu phương thức giáo hóa “đốn ngộ”, là ngài Huệ Năng đã ứng dụng chủ trương của tổ Bồ Đề Đạt Ma:
“Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền,
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật”.
Trong Pháp Bảo Đàn kinh, Thiền sư Pháp Hải, một vị đệ tử của Ngài Huệ Năng, đã ghi chép lại lời giảng của ngài Huệ Năng, đường lối Đốn giáo của ngài Huệ Năng là:
“Vô - Niệm làm Tông, Vô - Tướng làm Thể, và Vô - Trụ làm Gốc”.
Thiệt ra, vô tướng, vô trụ và vô niệm cũng là một, liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời được. Đường lối tu tập này là rút ra từ cốt lõi của kinh Kim Cang. Điều này dễ hiểu, chính vì Huệ Năng sáng đạo qua kinh Kim Cang.
Khi mình đang ở trong tâm vô niệm, thì không trụ vào đâu hết, không dính mắc vật gì, tức là không dính mắc vào bất kỳ tướng nào của thế gian. Phương pháp này đi trực tiếp vào chân đế bát nhã, bản thể của tâm là trong sạch, là tĩnh lặng, là thuần nhất; bản thể của vạn pháp cũng là tĩnh lặng (không tên, không lời, không phẩm chất, không thuộc tính), là trong sạch, là bất động. Trải nghiệm trạng thái tâm vô niệm thì trải nghiệm vạn pháp bình đẳng, như như bất động, cũng thông suốt bản thể trống không, như huyễn của vạn pháp.
Ngài dạy Định-Huệ (thiền-định, trí-tuệ) vốn NHẤT THỂ chẳng phải hai, Định là Thể của Huệ, Huệ là Dụng của Định, ngay trong lúc Định có Huệ, ngay trong lúc Huệ có Định. Ngài ví dụ đèn và ánh sáng, đèn là Thể của sáng, sáng là Dụng của đèn, tên tuy có hai, Thể vốn chỉ một, Định-Huệ cũng vậy.
Dưới Lục Tổ có 33 môn đệ đắc pháp, trong đó nổi bật nhất là 5 vị làm cho Thiền Tông đời sau được hưng thịnh và ảnh hưởng lớn trong Phật Giáo Trung Quốc:
1- Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng, từ pháp mạch này sinh ra Tông Lâm Tế, Quy Ngưỡng.
2- Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư, từ pháp mạch này sinh ra Tông Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn.
3- Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, tác giả của Chứng Đạo Ca và quyển Thiền Tông Vĩnh Gia Tập nổi tiếng
4- Thiền sư Nam Dương Tuệ Trung, từng làm Quốc Sư.
5- Thiền sư Hà Trạch Thần Hội, người định tông chỉ, đưa Thiền Nam Tông trở thành chính thống.
Đặc biệt, từ hai vị Nam Nhạc Hoài Nhượng và Thanh Nguyên Hành Tư, Thiền Tông sản sinh vô số các Thiền sư danh tiếng truyền bá tư tưởng Đốn Ngộ, Thiền Tông trở thành Pháp môn phổ biến, thịnh hành nhất vào các thời Đường, Tống. Được truyền qua nhiều nước như Việt nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đến thời Minh, Thanh, Thiền bắt đầu suy yếu và nhường chổ cho Tịnh Độ Tông. Ngày nay, tuy Thiền Tông đã phần nhiều phai nhạt và không còn ảnh hưởng mấy nữa, nhưng nó vẫn là một đề tài cuốn hút đối với các tăng, ni và cư sĩ, phật tử.
Chúng ta trở lại ngài Thần Tú.
Sử sách không chú trọng nhiều tới ngài Thần Tú, có lẽ vì ngài không phải là kế vị tổ chính thức. Tuy nhiên đương thời, ngài là một danh tăng, là vị quốc sư trong 3 triều đại hoàng đế Trung Hoa: Võ Tắc Thiên, Đường Trung Tông và Đường Duệ Tông. Khi ngài được Võ Tắc Thiên thỉnh vào kinh đô, ngài đã hơn 90 tuổi. Sử có chép, ngài Thần Tú đã tiến dẫn ngài Huệ Năng là người được kế thừa chính thức, nên triệu thỉnh về kinh đô giáo hoá. Nhưng ngài Huệ Năng đã từ chối lời thỉnh mời của vua. Sự kiện này cũng chứng tỏ đức hạnh của ngài Thần Tú, đã không đố kỵ mà còn cảm phục đức độ và trí tuệ của ngài Huệ Năng.
Thêm một sự kiện nữa nói lên tâm cầu pháp của ngài Thần Tú:
Hòa-Thượng Thần-Tú là người biết mình biết người, nên thường nói với đại chúng: “Lục-Tổ đắc Vô Sư Trí (tự có trí tuệ mà không cần thầy giảng dạy), triệt ngộ Pháp Tối Thượng-Thừa, ta chẳng bằng được; vả lại được Thầy ta là Ngũ-Tổ đích thân truyền Áo-Pháp, đâu phải khi không mà được; ta tiếc chẳng đi xa được để thân cận, uổng chịu Quốc-ân (ơn Vua), các vị chớ nên kẹt ở nơi đây mà nên đi đến Tào-Khê tham học”.
Một hôm Hòa-Thượng Thần-Tú bảo môn đồ thân tín là Chí-Thành: “Thầy thông minh có trí, hãy thay ta đến Tào-Khê nghe Pháp, tận tâm ghi nhớ các điều thấy nghe, rồi về lặp lại cho ta biết”.
Vâng lời thầy, Chí-Thành bèn đến Tào-Khê, theo chúng tham học mà chẳng nói từ nơi nào đến. Một hôm Lục-Tổ nói với đại chúng:
- Hiện nay có kẻ trộm Pháp đang ở trong hội này.
Bấy giờ thầy tăng Chí-Thành bước ra lễ bái và trình nguyên do. Lục-Tổ nói:
- Người của Chùa Ngọc-Tuyền đến mà không nói trước tức là mật thám vậy.
- Thưa Hòa-Thượng, chẳng phải vậy.
- Sao chẳng phải vậy?
- Lúc chưa nói ra là như thế, nói ra rồi chẳng phải vậy.
Đại-Sư hỏi:
- Thầy ông dạy chúng như thế nào?
- Thầy tôi thường dạy đại chúng “trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi chẳng nằm”.
Ngài nói:
- Trụ tâm quán tịnh là bệnh chứ chẳng phải thiền, ngồi mãi là trói thân, với đạo lý có ích chi đâu, hãy nghe ta nói kệ:
Lúc sống ngồi chẳng nằm,
Chết rồi nằm chẳng ngồi,
Thật đống xương thịt thối,
Đâu lập được công phu.
Thầy Chí-Thành làm lễ mà thưa:
- Kẻ đệ-tử này theo học với Tú Hòa-Thượng, học đạo đã chín năm mà chẳng được sáng tỏ, nay nghe Hòa-Thượng nói mới một lần liền tỏ sáng bản tâm; nay sự sống chết là việc lớn, con xin Hòa-Thượng mở lòng từ-bi chỉ dạy.
Ngài Huệ-Năng nói:
- Ta nghe thầy ông dạy người học Pháp Giới-Định-Huệ, chẳng hay thầy ông nói cái hạnh tướng của Giới-Định-Huệ như thế nào?
Thầy Chí-Thành thưa:
- Thần-Tú Hòa-Thượng nói: “Những điều ác chớ làm là Giới, ý căn tự trong sạch là Định, các điều lành vâng làm gọi là Huệ”, còn Hòa-Thượng lấy Pháp gì dạy người?
- Nếu nói rằng có Pháp để dạy người đó là dối ông, ta chỉ tùy căn cơ để mở trói, phương tiện ấy giả gọi là “tam-muội”; cứ như chỗ thầy ông nói về Giới-Định-Huệ thật không nghĩ bàn được, chỗ ta nói về Giới-Định-Huệ lại khác.
Thầy Chí-Thành thắc mắc hỏi:
- Giới-Định-Huệ chỉ có một sao lại có khác?
- Giới-Định-Huệ của thầy ông độ người Đại-thừa, Giới-Định-Huệ của ta tiếp người Tối Thượng-thừa, chỗ ngộ giải chẳng đồng, sự thấy có nhanh chậm. Ta thuyết pháp chẳng lìa tự tánh, lìa tánh mà thuyết pháp khiến cho tự tánh thường mê, ấy là tướng thuyết. Nên biết tất cả các pháp đều từ tự tánh khởi dụng, ấy là Chân-pháp của Giới-Định-Huệ; hãy nghe ta nói kệ:
Tâm địa chẳng quấy, tánh mình Giới,
Tâm địa chẳng si, tánh mình Huệ,
Tâm địa chẳng loạn, tánh mình Định,
Không thêm không bớt, tánh mình Kim-cương,
Không tới không lui, vốn là tam-muội.
Chí-Thành nghe rồi cảm tạ Ngài và trình kệ:
Năm uẩn thân này huyễn,
Huyễn đâu có cứu cánh,
Trở về tánh Chân-như,
Chấp pháp vẫn chẳng tịnh.
Ngài cho là phải, và bảo:
- Nếu ngộ được tự-tánh, chẳng lập Bồ-đề, cũng chẳng lập giải-thoát tri-kiến, chẳng có một pháp để đắc, như thế mới được kiến lập vạn pháp. Người kiến-tánh lập cũng được mà chẳng lập cũng được, đi lại tự do, chẳng trệ (trì trệ) chẳng ngại (trở ngại), cần dùng liền làm, cần nói liền đáp, khắp hiện hóa-thân, chẳng lìa tự tánh, tức được thần-thông tự tại.
Thầy Chí-Thành sau khi nghe Ngài dạy, lễ bái và xin nguyện được làm thị giả theo hầu Ngài sớm chiều từ đấy.
Từ khi có hai Tông phái khác nhau, hai vị Tông-chủ tuy không phân biệt chê bai, nhưng đồ chúng lại sinh lòng cạnh tranh ưa ghét; nhất là môn đồ Bắc Tông, họ đã tự lập Hòa-Thượng Thần-Tú làm Tổ thứ sáu, nhưng lại sợ người đời biết được sự truyền Áo-Bát của Ngũ-Tổ, nên sai Hành-Xương đi ám sát Lục-Tổ Huệ-Năng.
Đọc truyện về ngài Huệ Năng và ngài Thần Tú, chắc mình cũng nhận ra rằng hai ngài là đồng môn, tâm tánh nhu hòa, không cạnh tranh, không đố kỵ, mà cùng tương kính tương trợ. Tuy nhiên nhóm đệ tử bên ngài Thần Tú còn tâm ghen ghét, tôn sùng thầy mình, sinh ra ý ác, muốn giành ngôi vị kế thừa làm Tổ thứ 6 cho ngài Thần Tú nên nhiều phen muốn hãm hại ngài Huệ Năng. Lần thứ nhất là sự kiện mấy trăm người dẫn đầu là ông thượng tọa Huệ Minh, đuổi theo ngài Huệ Năng, nhưng vì không thể nhấc lên được y bát, mặc dù y bát để trên tảng đá giữa rừng, ngài Huệ Năng thoát hiểm, và cảm hoá được Huệ Minh.
Nếu để ý, chúng ta biết ngài Huệ Năng sau khi đắc pháp, là có năng lực phi thường, hiển lộ qua vài sự kiện rải rác:
- Ngài Huệ Năng đặt Y bát trên tảng đá, và nói:
- Y- Bát này là vật làm tin, há dùng sức mà tranh được sao?
Quả thật, Huệ Minh không nhấc lên được.
- Khi Chí Thành tới lén học pháp, không nói cho ai biết, ngài Huệ Năng vẫn biết.
- Khi ngài Huệ Năng đến xin đất của Trần Á Tiên để mở rộng chùa Bảo Lâm, khoảng đất rộng bằng tấm tọa cụ để ngồi thiền. Ngài Huệ Năng cho biết tấm tọa cụ rộng lắm. Trần Á Tiên đồng ý. Bấy giờ ngài Huệ Năng trải tấm tọa cụ ra, biến thành rộng lớn cả vùng Tào Khê.
- Về sau, nhóm người phương Bắc muốn tôn ngài Thần Tú là Tổ thứ 6 nên âm mưu sai Hành Xương giết hại ngài Huệ Năng. Ngài Huệ Năng đã biết trước. Hành Xương chém ngài Huệ Năng trong khi đang nhập định như chém vào không gian. Ngài Huệ Năng trao vàng cho Hành Xương và nói chỉ thiếu nợ vàng chứ không thiếu nợ mạng. Hành Xương được cảm hóa, thời gian lâu sau trở lại làm đệ tử ngài Huệ Năng.
Trở lại sự khác biệt về giải thích con đường tu quan trọng là : Giới- Định- Huệ. Ngài Thần Tú giảng theo kinh sách, trong ý phân chia ra 3 môn khác nhau. Ngài Huệ Năng thì giảng theo nghĩa rốt ráo, cả 3 Giới- Định- Huệ là đồng nhất trong chân tâm.
Chân tâm thì không làm quấy, là Giới tròn đủ.
Chân tâm không loạn động, là Định vững chắc.
Chân tâm không si mê, là Huệ chiếu sáng.
Vậy chỉ cần an trụ trong chân tâm, hay tự tánh, thì tròn đủ Giới- Định- Huệ.
Qua một số ít sự kiện trên đây, chúng ta cũng nhận ra, ngài Huệ Năng sáng đạo, do nhiều nhân duyên đặc biệt, và giáo hóa thích hợp cho người căn cơ sắc bén; trong khi ngài Thần Tú tu học và giáo hóa theo đúng kinh sách, học hỏi, ứng dụng cho mình và hướng dẫn người khác thích hợp với đa số quần chúng căn cơ trung bình, còn sống trong đời, còn tham sân si, còn cả gan rượt đuổi theo để dành lại y bát, còn âm mưu thuê người giết hại Huệ Năng vv...
Kết quả của hai dòng Thiền này là:
- Dòng Thiền “Tiệm giáo” ở phương Bắc của ngài Thần Tú, rạng rỡ, náo nhiệt một thời gian ngắn, huy hoàng, được vua chúa, triều đình, dân chúng trọng vọng, rồi sau vài đời thì mai một.
- Dòng Thiền “Đốn Giáo” ở phương Nam của ngài Huệ Năng, khiêm nhường, âm thầm lưu truyền qua nhiều đời thiền sư sáng đạo, về sau có phương thức Công Án, rồi Thoại Đầu, làm nên Tổ Sư Thiền của Trung Hoa, cuối cùng phai mờ đi khi Tịnh độ tông xuất hiện thích hợp cho đa số căn cơ trung bình.
Nhận định chung những sự kiện lịch sử, chúng ta thấy hễ có xuất hiện thì có suy tàn, có thăng thì có trầm, như những lượn sóng lên xuống trên mặt biển. Biển đời cũng vậy. Tuy nhiên sóng thì có lên có xuống, chứ biển thì vẫn là biển dù lên hay xuống cũng là biển. Tinh hoa của Pháp vẫn thường hiện hữu trên thế gian, không bao giờ biến mất. Tuy vậy, không có Tăng bảo thì không ai giải thích và phổ biến ra cho đời thấy.
Các tông phái, các vị thiền sư, các phương tiện giáo hoá... là pháp hữu vi, có sanh có diệt. Còn chân lý thì vô vi, thường hằng, không sinh diệt.
Hôm nay nhân cảm niệm công đức của người xưa, mạo muội đem cái tâm buồn vui của mình mà diễn lại cảnh xưa, nếu có sai sót, xin các bậc Thiền Đức tiền bối tha thứ.
Thiền viện, ngày 27- 10- 2021
TN
Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - Bài 32
NAM HUỆ NĂNG- BẮC THẦN TÚ
(CLICK vào icon tam giác để nghe - CLICK vào icon 3 dấu chấm để download)
Tâm sự cùng Ni Sư.
Trước đây khi khó khăn đến tập kiên nhẫn. Nay khó khăn đến làm với Tâm rống rỗng ( không suy nghĩ) mọi việc trở nên nhẹ nhàn hơn.
Khi đã chấp nhận chân lý (Pháp) Phật thì Pháp Phật hiển hiện ngay trước mắt.
Khi tâm trạng thái rống rỗng thì nghe như thật, thấy như thật, xúc chạm như thật, nói theo cách khác
Tánh nghe,Tánh thấy, Tánh xúc chạm, xuất hiện, Tánh nhận thức trống rỗng.
Con đang thực tập tâm trống rỗng trong mọi hoàn cảnh.
Con
Như Quỳnh
Bốn chữ này là văn tự.
Trực chỉ nhân tâm,
Có chỗ để chỉ ra chăng ?
Nhân nơi bài kệ ngài Thần Tú.
Quả sinh bài kệ ngài Huệ Năng.
Bắc Nam nương nhau mà có.