HUẤN LUYỆN TÂM1
MỞ ĐẦU
Tâm của người chưa tỉnh thức hay chưa tỉnh ngộ được sánh như vượn khỉ. Nó cứ nhảy chuyền, cứ buông bắt từ cành cây này sang cành cây khác. Nó không bao giờ ngưng động. Nó cũng được sánh như con ngựa hoang hay như con trâu ngang bướng. Nó cứ di động thường trực từ đối tượng này đến đối tượng khác, vì bên trong nó tiềm tàng những năng lực tập khí/lậu hoặc. Các năng lực này luôn luôn thúc đẩy tâm di động theo những đam mê, ghiền nghiện, thói quen, và sở thích. Muốn kềm giữ được nó, trong Thiền có phương pháp Giới. Muốn chuyển hóa nó, trong Thiền có phương pháp Quán. Muốn cho nó dừng lại thực sự, trong Thiền có phương pháp Chỉ và Định. Muốn cô lập nó, trong Thiền có phương pháp Huệ.
Tu thiền lâu năm mà không có trí tuệ, tâm cứ lăng xăng dao động vì những chuyện trẻ con trên thế gian; chân tánh hiện tượng chưa thông suốt; vô minh chấp trước thường xuyên biểu lộ ra ngoài lời nói và hành động; giới luật không giữ được, thì đây là điều cần xét lại về quá trình tu tập của ta. Sự xét lại này giúp ta có cơ hội tìm xem những sai lầm khởi lên từ đâu: từ kỹ thuật dụng công sai hay từ ta lơ là trong việc dụng công, hoặc ta không thực hành đúng theo pháp của Phật và chư Tổ. Tức là ta chọn những pháp ngoài Thiền Phật giáo, như Thiền Yoga, Thiền Xuất hồn, Thiền dùng bùa chú, Thiền hướng đến thần thông theo ngoại đạo. Vân vân.
Khi đã thực sự tìm ra những đầu mối sai lầm, ta sẽ thay đổi phương hướng tu tập. Ta điều chỉnh lại cách dụng công và tiến hành thực tập từng bước. Những bước này phải luôn luôn phù hợp với trình độ nhận thức, tình trạng sức khỏe, và hoàn cảnh sinh hoạt của ta.
VAI TRÒ VÀ GIÁ TRỊ
Giá trị của Giới (Sīla)
Trong Phật giáo, Giới như sợi dây cương dùng để kềm giữ con ngựa tâm, không cho nó chạy bậy. Nó cũng được so sánh như sợi dây vàm dùng để xỏ mũi trâu. Người chăn trâu chỉ cần nắm chắc sợi dây vàm là điều khiển được trâu ngang bướng. Nếu thực sự điều khiển được trâu nội tâm, sáu căn khó có thể dính mắc sáu trần; tâm dễ trở nên yên lặng. Từ đó ta có khả năng thấy biết như thật dễ dàng và vào định cũng dễ dàng. Ngoài ra tánh giác cũng từ đó dần dần hiển lộ. Năng lực biết không lời sẽ ngày càng vững chắc hơn. Năng lực trí năng méo mó ngày càng lu mờ, nhường chỗ lại cho năng lực kiến giải của tánh giác. Nhưng trên thực tế, chính người giữ giới mới là quan trọng. Chớ không phải con số giới mà ta cam kết giữ trước Phật và trước vị sư truyền giới là điểm then chốt. Bởi vì nếu người giữ giới không thức tỉnh, không tự giác nghiêm trì gìn giữ, dù có thọ hàng chục giới, hàng trăm giới, sự phạm giới vẫn xảy ra như thường. Chính vì thế, để giúp tâm tỉnh ngộ, hỗ trợ việc giữ giới được nghiêm túc, ta cần thực hành thêm pháp Quán. Thông qua các phương thức Quán, ta sẽ nhận rõ chân tánh hiện tượng thế gian, ta có nhận thức mới về hiện tượng thế gian. Từ đó ta có khả năng chuyển tâm dính mắc, tâm chấp trước thành tâm an tịnh và trầm lặng. Tâm ích kỷ thành tâm khoáng đạt. Tâm ghen ghét, ganh tị thành tâm rộng lượng, bao dung... Trong cuộc sống hằng ngày, ta sẽ không còn bám chặt vào quyền lợi thế tục để tạo ra những xung đột, những tranh chấp với người khác mà quên đi nhân nghĩa, đạo đức. Tâm ta trở nên quân bình. Nó không điên đảo, không ích kỷ. Ta sống biết đủ. Cuối cùng, giới mà ta đã thọ nhận từ nơi vị thầy truyền giới sẽ có cơ hội giữ được trọn vẹn. Tâm của ta có khả năng trở nên thanh tịnh. Ta từ bi với mọi người. Lúc bấy giờ ta sẽ kinh nghiệm câu nói của Phật: "Từ Giới sinh Định." Ta không còn than thở: "Tu thiền lâu năm mà tâm chưa được định tĩnh!"
Như vậy, trên mặt tích cực, ngay từ bây giờ, nếu thấy rằng trải qua thời gian dài dụng công tu thiền trong nhiều năm, tâm ta chưa ổn định, nó còn lăng xăng dính mắc quá nhiều vào chuyện thế gian, nó còn bị nhiều năng lực tập khí hay lậu hoặc tác động; thân ta còn mang nhiều chứng bệnh tâm thể; trí tuệ ta chưa phát sáng, ta thử xét lại ta có giữ giới nghiêm túc không, nhất là giới vọng ngữ. Ta có dùng lời thô, ác để dán nhãn, chụp mũ, lên án, gây phá hoại sự hòa hợp của người khác không? Ta có bịa đặt, phao vu, tố cáo để gây hại uy tín, danh dự, hay mạng sống người khác không? Ta có dùng lời nói của ta để làm kẻ khác đau khổ không? Ta có chủ tâm gây hại kẻ khác bằng những thơ nặc danh, ném đá giấu tay không? Ta có tự cho mình chứng đắc thế này, thế khác để cố ý tạo ra uy tín cho ta không? Nếu có, ta cần điều chỉnh thái độ ăn nói của ta lại sao cho hợp với đạo lý hay hợp với giới luật mà ta đã thọ. Ta không nói lời đâm thọc, không nói lời hung ác, không nói dối, không xuyên tạc, không thù nghịch, không bất nhã với người khác mà nói đúng thời, nói lời chân thật, nói lời dịu ngọt, nói lời có lợi ích, và nói lời đầy vẻ từ bi với mọi người.
Giá trị của Quán (Anupassanā)
Trong lúc Giới được so sánh như dây vàm thì Quán được so sánh như nghệ thuật dạy trâu, vỗ về trâu, làm cho nó nhận rõ lối đi, quẹo qua, quẹo lại khi ta điều khiển nó. Như vậy, tác dụng của Quán là làm cho "trâu tâm" không còn trở chứng, không còn hung hăng. Nó biết nghe lời chủ, biết nhận ra hướng đi theo lời nói điều khiển của chủ mà chủ không cần dùng sợi dây vàm để điều khiển trâu đi "về nhà" hay đến nơi nào chủ muốn đến. Nhưng trên thực tế, bên trong con "trâu tâm," những bản chất phàm tục vẫn còn tiềm tàng trong nó. Đến một lúc nào đó, nếu "Ông chủ" không còn đủ sức điều khiển, nó sẽ trở chứng thành con trâu điên. Nó sẽ lôi "Ông chủ" đi vào đường sai trái qua sự tác động của tập khí hay nghiệp chướng. Chỉ vì "Ông chủ" chưa đủ sức chế ngự hay kiểm soát "trâu tâm." Như vậy, trong Thiền, Quán chỉ là phương thức có hai tác dụng:
1) Quán giúp cho người tu thiền thực sự tỉnh thức, tỉnh ngộ. Vị ấy không còn mê lầm, mê chấp về hiện tượng thế gian. Vị ấy nhận rõ chân tánh hiện tượng thế gian là vô thường, khổ, không, vô ngã, duyên sinh hay tương quan nhân quả, và liên tục tiếp nối hay tiếp tục trở thành. Qua đó, vị ấy tự loại bỏ được nhận thức cũ mà vị ấy đã thu nhận và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ trong các thứ truyền thống thế gian, gồm truyền thống gia đình, truyền thống giáo dục, truyền thống giai cấp, truyền thống dân tộc, truyền thống tôn giáo; nói chung là truyền thống văn hóa.
2) Quán cũng giúp cho con người nhận ra các qui luật chi phối nhân cách con người và hiện tượng thế gian trong vũ trụ. Để từ đó con người không còn bám chặt vào những truyền thống cũ của thế gian.
Qua sự nhận ra các nguyên lý đó, tâm người tu thiền sẽ trở nên thanh thản; ngoại duyên không còn tác động nội tâm. Các căn dù có tiếp xúc các trần, tâm vẫn biết rõ ràng mà không bị các trần lôi cuốn. Tánh giác trở thành năng lực biết vững chắc. Cảm thọ sẽ trở nên yên lặng đưa đến tưởng không dao động, không điên đảo, hành cũng không còn có điều kiện khuấy động nội tâm để tạo ra các loại tâm sở, đưa đến thức trở nên tự yên lặng. "Con trâu đen" sẽ trở thành "trâu trắng." Đây là kết quả lý tưởng của phương thức Quán.
Với trạng thái này, tâm vị ấy xem như tỉnh giác và hằng sống với bản thể hiện tượng. Tâm đã được an tịnh. Vị ấy sẽ có kinh nghiệm hỷ lạc.
Tuy nhiên, nếu vị ấy dừng lại đây, không tiến tu thêm nữa, con "trâu trắng" của vị ấy có khả năng sẽ trở thành con "trâu đen" trở lại. Vì sao? Vì trên phương diện sâu xa, năng lực tập khí hay lậu hoặc vẫn còn tiềm tàng trong cơ chế tâm vị đó. Chúng chưa được loại hẳn khỏi bãi chiến trường xung đột của tâm. Vì thế, vị ấy cần tiến lên tu Định hay tu Huệ.
Trong kinh nghiệm tu tập cho thấy rằng bằng Giới hay bằng Quán, ta khó có thể chế ngự được năng lực tâm trọn vẹn. Bởi vì chính tập khí hay lậu hoặc vốn đã ăn sâu trong cơ chế nghiệp thức hay cơ chế tâm thức con người. Khi con người chưa thực sự có trí tuệ siêu vượt, chưa thực sự tỉnh thức, chưa thực sự tỉnh ngộ, chưa thực sự giác ngộ, hay chưa thực sự có tâm định vững chắc, mạng lưới vô minh còn tiềm tàng trong tâm thức vị đó, chúng sẽ sẵn sàng phát ra xung lực để tác động tâm vị đó đi theo khuynh hướng khát ái và tham dục của chúng. Lúc bấy giờ tâm sẽ được so sánh như con trâu điên hay như con ngựa chứng. An vui và hòa hợp trong gia đình, và an ninh ngoài xã hội đều bị đe dọa. Gia đình tan vỡ, huynh đệ hay sư đệ chia lìa. Từ đó, tội ác không thể tránh khỏi trong sinh hoạt gia đình, xã hội, và cộng đồng - kể cả cộng đồng tôn giáo hay cộng đồng tu thiền trong các Đạo tràng và Thiền viện. Giới luật không còn giá trị để kềm giữ tâm cho được thanh tịnh hay dễ uốn nắn nữa. Quán cũng không còn hiệu lực để chuyển tâm đến thể nhập chân tánh hiện tượng thế gian.
Đây là điều mà người tu Thiền Quán cần lưu ý để biết hướng dụng công hay để biết hướng tiến lên thêm nữa.
Giá trị của Chỉ (Samatha) và Định (Samādhi)
Ngoài hai phương thức Giới và Quán, vấn đề đặt ra là ta cần áp dụng thêm phương thức thứ ba. Đó là Chỉ hay Định. Trong Thiền Căn Bản, ta cần kết hợp: Giới, Quán, Chỉ, Định, và Huệ phù hợp theo trình độ tiếp thu của người mới đi vào những bước đầu của Thiền. - đây, chủ yếu của phương thức Chỉ hay Định là nhắm làm chủ sự suy nghĩ bằng cách không nói thầm trong não. Mục đích của cách này là nhắm kiểm soát hoặc hạn chế bớt năng lực tập khí/lậu hoặc; rồi cuối cùng đào thải chúng.
Đây là cách tiến thẳng vào hang ổ vô minh. Bởi vì chính năng lực suy nghĩ hay nói thầm là cửa ngõ phát ra những nội dung tâm đủ loại. Căn bản vô minh từ đó sinh ra. Tâm di động thường trực theo những khuynh hướng quyền lợi vật chất và quyền lợi tinh thần. Nhị nguyên, tranh chấp, tham dục, hận thù cứ luân phiên xuất hiện trong những mối giao tế hằng ngày của con người. Trong cuộc sống hằng ngày, từ việc đời đến việc đạo, thương, ghét, thù hận, tranh hơn, tranh thắng cứ giằng co trong trí năng biện luận của "cái Ta." Nó được sánh như vũng nước đục hoặc như mặt hồ luôn luôn gợn sóng lăn tăn hay như ngọn đèn dầu đứng trước gió.
Muốn ngăn chận tập khí hay lậu hoặc, ta phải thực tập cách làm chủ suy nghĩ. Với phương thức huấn luyện tâm này, nếu thành tựu vững chắc, tâm sẽ không tiếp tục di động thường trực nữa. Nó yên lặng. Đây là trạng thái Chỉ. Yên lặng càng sâu, tâm sẽ trở nên Định. Đây là trạng thái tâm đứng yên. Tâm không có tất cả sự xung đột trong nó. Tâm biết rõ ràng và đầy đủ về môi trường chung quanh mà không bị môi trường chung quanh tác động. Đây là trạng thái tâm được so sánh như nước đục trong hồ đã được lắng trong. Gió thế gian dù có thổi vào, mặt nước của hồ tâm vẫn không gợn sóng. Nước của hồ tâm được so sánh như đã trở thành băng giá! Ngay đó năng lực tập khí hay lậu hoặc liền bị vô hiệu hóa. Cho nên, mức định càng sâu, tập khí/lậu hoặc chẳng những không có điều kiện tác động tâm mà còn bị đào thải từ lần bên trong cơ chế tâm.
Hỏi: - Vì sao tập khí hay lậu hoặc bị vô hiệu hóa?
Đáp: - Khi tâm yên lặng, ngoại trần không tác động được nó. Do đó, tập khí hay lậu hoặc không thể tác động được tâm. Bởi vì tập khí hay lậu hoặc chỉ có điều kiện tác động được tâm là khi ngoại trần gây ảnh hưởng đến tâm. Ngay đó tập khí liền có điều kiện xuất hiện để thúc đẩy tâm hành động theo khuynh hướng của chúng. Còn bây giờ đứng trước các đối tượng, tâm yên lặng bằng cách không biểu lộ một lời trong não, nó được so sánh như đất, như mặt băng, tập khí hay lậu hoặc liền bị vô hiệu hóa. Vì có nói thầm, tâm mới khởi sóng, chất liệu của ý thức phân biệt hay của trí năng méo mó mới hiện hữu. Nếu không nói thầm, toàn bộ chất liệu của ý thức hay của trí năng đều không có điều kiện phát huy. Đây là trạng thái tâm chỉ hay tâm định.
Giá trị của làm chủ suy nghĩ
Hỏi: - Vì sao thực tập cách làm chủ suy nghĩ gọi là "huấn luyện tâm?"
Đáp: - Tâm là một tiến trình niệm liên tục đủ loại. Nó là một bãi chiến trường mà trong đó niệm xung đột thường trực khởi lên. Tâm này là tâm vọng. Bản chất của nó là di động. Nó được lập thành dựa trên quán tính suy nghĩ triền miên. Ta suy nghĩ về nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống hằng ngày. Hầu hết tâm chúng ta đều bị áp lực của suy nghĩ thúc đẩy để suy tính việc này, việc kia. Tất cả suy nghĩ đó đều phù hợp theo hoàn cảnh sống hay môi trường sống của từng thành phần con người hay từng lứa tuổi trong xã hội. Với người chưa tỉnh ngộ, chưa giác ngộ, có lối suy nghĩ tính toán theo kiểu người chưa tỉnh ngộ, chưa giác ngộ. Với người lương thiện có lối suy nghĩ tính toán theo mẫu người lương thiện. Thiện và ác, phải và trái, chia rẽ và đoàn kết, danh và lợi, quyền lực và tranh chấp... luôn luôn gắn liền trong những nội dung suy nghĩ của con người đủ mọi thành phần. Nhưng hầu hết mọi người đều không nhận ra chính suy nghĩ là tác nhân gây ra phiền não, tranh chấp, sân hận, đấu tranh, thù địch triền miên cho xã hội loài người. Nó cũng gây ra uất cảm và gây ra bệnh tâm thể. Nó cản trở sự tiến hóa tâm linh. Nó phản ánh những bản chất phàm tục của "cái Ta." Bởi vì hầu hết những thứ suy nghĩ đó đều hướng đến phục vụ quyền lợi vật chất hay quyền lợi tinh thần của "cái Ta." Đầu mối của đau khổ và đấu tranh điên đảo xuất nguyên từ sự ích kỷ này. Chỉ trừ có những bậc giàu lòng từ bi hay những bậc tỉnh thức, bậc tỉnh ngộ, bậc có trí tuệ, hoặc bậc đã giác ngộ, các ngài sống vì người khác mới đưa suy nghĩ của họ đến phục vụ tha nhân, mang lại hạnh phúc và an lạc lâu dài cho người khác và cho muôn loài chúng sinh. Còn bậc chưa tỉnh thức, chưa tỉnh ngộ, chưa giác ngộ thì họ luôn luôn bị các thứ quyền lợi vật chất và quyền lợi tinh thần bao vây. Vì vậy, cho dù là người tu thiền lâu năm, có khả năng giảng thiền lưu loát, nếu chưa thực sự tỉnh ngộ, chưa thực sự tỉnh thức, chưa có tâm từ bi, chưa triệt tiêu ngã chấp, ngã dục, ngã ái, vị ấy vẫn có lối suy nghĩ tính toán như người phàm phu. Vị ấy vẫn không thoát khỏi mạng lưới danh và lợi riêng tư và những mạng lưới phân biệt, chia rẽ, đố kỵ, ganh tị, nói lén, dán nhãn, chụp mũ hay ngầm hại danh dự và uy tín người khác.
Nay thực tập phương thức làm chủ sự suy nghĩ, đó là cách ta trực tiếp huấn luyện tâm trở nên yên lặng hay trở nên thuần. Nó không lăng xăng dao động vì những chuyện thị phi (phải-trái) của thế gian. Tế bào não vùng suy nghĩ sẽ từ lần bị hạn chế dính mắc ngoại duyên. Ý hành, ngôn hành sẽ trở nên yên lặng. Tâm định sẽ trở nên vững chắc. Nếu thực sự đạt được làm chủ suy nghĩ, xem như ta làm chủ được sự di động của tâm. Những xúc cảm lo âu, sợ hãi, sân hận, cáu kỉnh, đố kỵ, ganh tị, tranh chấp, buồn phiền, bực bội, tính toán, oán thù, nghi kỵ... chẳng những không có điều kiện khởi ra mà những sắc thái tâm đó sẽ từ lần bị chuyển hóa để trở nên thuần tịnh hay không động. Thần kinh ta sẽ ổn định. Tâm sẽ thực sự bớt dính mắc, bớt bực bội... Cơ thể ta từ đó sẽ tránh được bệnh tâm thể như mất ngủ, cao máu, loét bao tử, hay tiểu đường. Bởi vì chính suy nghĩ là đầu mối tạo ra những bất an của tâm và những rối loạn chức năng trong cơ thể. Bệnh tâm thể xảy ra dựa trên nguyên lý này.
Tóm lại, đây là cách huấn luyện tâm trở nên yên lặng hữu hiệu nhất. Nó cũng là phương thức tuy rất cũ, nhưng rất mới đối với người mới bắt đầu bước chân vào Thiền.
Hỏi: - Vì sao cách làm chủ sự suy nghĩ là cách huấn luyện tâm trở nên yên lặng hữu hiệu nhất?
Đáp: - Vì ta biết rằng gốc của vọng tưởng chính là sự nói thầm mang nhiều nội dung khác nhau. Ta tiến thẳng vào cách làm chủ niệm nói thầm để thực hành. Ta không đi lòng vòng. Không ngồi đùa giỡn với vọng tưởng. Không lấy niệm thiện đè niệm ác. Trái lại, ta thực tập cách làm cho tế bào não có ký ức mới. Đó là ký ức "không nói thầm." Một khi ký ức này trở thành hiện thực trong tâm, đường thiền của ta sẽ được rút ngắn lại. Khi muốn "sáu căn không dính mắc với sáu trần," ta chỉ cần gợi lên niệm "không nói thầm," ngay đó, tâm ta liền an tịnh. Cũng như khi muốn vào trạng thái vô niệm, ta chỉ gợi lên niệm "không nói thầm," ngay đó, tâm ta liền ở trong vô niệm. Cuối cùng, ta sẽ có kinh nghiệm làm chủ sự suy nghĩ mà không mất nhiều thời gian thực tập như trước đây. Cho nên, đây là cách huấn luyện tâm trở nên yên lặng hữu hiệu nhất.
Hỏi: - Vì sao làm chủ sự suy nghĩ gọi là phương thức "rất cũ”?
Đáp: - Vì từ hàng nghìn năm về trước, phương thức này đã được Phật và chư Tổ truyền dạy:
- muốn ngộ đạo, người tu thiền phải ngưng suy nghĩ;
- muốn không phiền não, người tu thiền phải ngưng suy nghĩ;
- muốn tâm trở thành đất, chứa tất cả các thứ trong sạch hay uế trược trên thế gian, người tu thiền phải ngưng suy nghĩ;
- muốn vô niệm, người tu thiền phải ngưng suy nghĩ, muốn tâm như tường vách, người tu thiền phải ngưng suy nghĩ.
Vì những lý do này nên nó được gọi là "rất cũ."
Hỏi: - Vì sao gọi là "mới" đối với người mới bước chân vào Thiền?
Đáp: - Với người mới bước chân vào Thiền, họ chưa biết phương thức làm chủ sự suy nghĩ là phương thức căn bản trong Thiền Phật giáo, bây giờ họ biết, nên gọi là "mới."
Giá trị của Huệ (Vipassanā)
Với người tu Thiền Định thì đòi hỏi vị đó phải làm chủ sự suy nghĩ hay làm chủ tâm ngôn, trong lúc đó với người tu Thiền Huệ thì không cần làm chủ tâm ngôn mà chỉ cần áp dụng những kỹ thuật Không Dán Nhãn Đối Tượng, Chú Ý Trống Rỗng, Thấy Biết Như Thật, Nghe Biết Như Thật, Tỉnh Thức Biết và Thầm Nhận Biết, ta sẽ cô lập hóa tập khí hay lậu hoặc và tâm vẫn an tịnh như thường. Đó là giá trị riêng biệt của Thiền Huệ.
Tuy nhiên, Huệ ở đây không phải là Huệ theo nghĩa Huệ siêu vượt và tự phát như từ Bát Nhã (Prajñā) mà nó chỉ là Tuệ trí. Đây là tuệ trí trực giác. Với tuệ trí này, ta thấy biết, nghe biết, xúc chạm biết rõ ràng đối tượng như thật mà tâm không dao động. Phật gọi là "yathāhūtam pajānāti." Chỉ vì bằng tuệ trí này ta cô lập quán tính suy nghĩ của ý căn, quán tính phân biệt của ý thức, hạn chế được quán tính suy luận của trí năng và căn bản là ta cô lập hóa được tập khí/lậu hoặc, khi ta áp dụng tuệ trí này trong lúc thiền tập.
Hệ Nguyên Thủy gọi là "Vipassanā." Từ này được dịch là "Tuệ minh sát." Khi nó được dùng chung với từ Samatha, nó được dịch là "Chỉ Quán." Nó tương đương tiếng Anh là "Insight, Intuition, Clear vision." Với tuệ trí này, nếu biết cách áp dụng đúng, ta sẽ kinh nghiệm biết rõ ràng đối tượng. Trong tiến trình biết này, quán tính nói thầm là tầm (vitakka) và đối thoại thầm lặng là tứ (vicāra) tuy vẫn còn mà cả hai không làm cho tâm bị dính mắc cảnh, vật, và người (đối tượng). Cả hai lắng dịu. Tâm không còn bị căng thẳng hay dao động trước cảnh, vật, và người. Ta tỉnh giác trước đối tượng và có kinh nghiệm khoan khoái vui thích. Nó tương đương với "định có tầm có tứ." Phật gọi là "sa-vitakka-sa-vicāra samādhi."
KẾT LUẬN
Cả bốn phương pháp này, là người mới đi vào đường Thiền, ta cần biết để tùy theo hoàn cảnh và môi trường sinh hoạt mà thực tập xen kẽ lẫn nhau. Bốn phương pháp này chính là phương tiện hay công cụ để ta chiến thắng tâm, làm chủ tâm, và sau cùng là làm cho tâm trở nên thuần. Khi tâm thực sự thuần, đường Thiền của ta mới có những ánh sáng mới. Đó là ánh sáng an tịnh, trong sạch, thanh thản, chánh niệm, tỉnh giác, từ bi, và trí tuệ.
1Trích phần mở đầu từ bài viết “Huấn Luyện Tâm” của Hòa Thượng Thích Thông Triệt.