Thiền Tánh Không do Hòa Thượng Thiền Chủ Thích Thông Triệt thiết lập, kết hợp những tinh hoa rút từ tiến trình tu chứng và thành đạo của Đức Phật Thích Ca, các truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, Phật Giáo Phát Triển, Thiền Tông và kỹ thuật Thiền, được soi sáng bởi các khám phá đương thời của khoa học não bộ và các chứng ngộ của Thầy thành một hệ thống tu thiền sâu sắc, tân thời, rõ ràng và hiệu quả.
Ngay từ năm 1982, khi chứng ngộ lần đầu, Thầy đã phát tâm làm sáng tỏ thiền Phật Giáo bằng từ ngữ giản dị, bình dân, đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề và tránh rừng ngôn ngữ của những định nghĩa hàn lâm và lòng vòng của các luận giải Thiền. Dựa trên kinh nghiệm tu tập gian lao của chính bản thân mình, chỉ trong vài năm tu sai đường mà thân thể sắc diện trông như một ông lão 80 tuổi khi thực sự mới ở tuổi hơn 40, và sau đó trở lại trông như một người trung niên da mặt hồng hào chỉ vài tháng sau khi tu đúng phương pháp, Thầy cũng phát tâm tìm hiểu sự tương tác nào giữa thiền và não bộ đã tạo nên những ảnh hưởng sâu đậm trên thân thể của người thực hành thiền.
Trên phương diện Phật học, Thầy chủ trương chọn Thiền Nguyên Thủy, tức Thiền từ thời Phật Thích Ca còn tại thế đến khoảng 100 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, làm nền tảng hướng đi của dòng Thiền Tánh Không. Hai tiến trình tu chứng và thành đạo của Đức Phật là hướng nhắm của thiền sinh. Cả hai tiến trình này nói lên tinh ba của Thiền Phật Giáo và được đặt trên căn bản niệm biết (P: pajānati). Thầy đã phân tích rõ ràng 4 tầng định của Đức Phật, bắt đầu bằng tầng định đầu dùng đơn niệm biết có lời để thở (còn gọi là định có tầm có tứ), sang niệm thầm nhận biết không lời hơi thở vào thở ra (còn gọi là định không tầm không tứ), sang niệm tỉnh thức biết tức biết rõ ràng đầy đủ mà không dính với niệm biết đó (còn gọi là chánh niệm tỉnh giác hay định ly hỷ trú xả), và cuối cùng là nhận thức biết không lời và trống rỗng liên tục về môi trường chung quanh, còn gọi là định bất động. Trạng thái tâm vắng lặng mà Đức Phật đạt được trong tầng định thứ tư là “Tâm Tathā”, là một tâm định kiên cố, nơi đó chỉ có nhận thức trống rỗng, biết rõ ràng và không lời. Thầy coi đây là tinh túy của Thiền Phật Giáo, vì Tâm Tathā là mấu chốt phát huy tiềm năng giác ngộ. Thầy có tâm nguyện chỉ dạy lại các thiền sinh một con đường thẳng giúp thiền sinh kinh nghiệm Tâm Tathā. Từ năm 1982, khi chứng ngộ lần đầu, Thầy đã nhận ra là “không nói thầm trong não thì có định”. Từ đó, kỹ thuật “Không Nói” là nền tảng của pháp tu thiền của Thầy. Vào năm 2011, sau một thời gian một năm trường nhập thất, Thầy thống nhất pháp thực hành thiền của Thầy qua một phương pháp thực hành Thầy gọi là "Bảy bước tới Tâm Tathā", dẫn thiền sinh qua một tiến trình thực tiễn chuyển đổi từ Vọng Tâm, sang đến Tâm Bậc Thánh và cuối cùng là Tâm Tathā hay Tâm Như.
Trên phương diện đối chiếu thiền với khoa học não bộ, ngay từ khi thấy được rõ ràng ảnh hưởng của thiền đúng hay thiền sai trên chính cơ thể của mình, Thầy đã có trực giác là tâm và phương pháp thực hành Thiền tác động tới não bộ. Khi thiền đúng, thì có chất gì đó tiết ra làm cho mình khỏe, vui tươi và thần sắc trong sáng, còn khi thiền sai thì cũng do chất nước hóa học nào đó tiết ra làm cho mình già trước tuổi. Từ đó, Thầy phát tâm sẽ trình bày pháp thiền dưới dạng khoa học đối chiếu với não bộ. Sau khi sang Hoa Kỳ năm 1992 và được dịp tìm hiểu cặn kẽ các sách về khoa học não bộ, Thầy đã trình bày rõ ràng sự tương tác giữa trạng thái vọng tâm và chân tâm với các thành phần trong não bộ tiếp xúc với các hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm đưa đến sự tiết ra các chất sinh hóa học tạo nên các ảnh hưởng tốt hoặc không tốt trên cơ thể.
Thầy cũng có ước mơ chụp hình não bộ để chứng minh các vùng trong não bộ phù hợp với lời dạy của Đức Phật, đặc biệt là vị trí của bốn tánh: Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Xúc Chạm và Tánh Nhận Thức Biết. Nhưng phải đợi đến năm 2006, khi nhân duyên hội đủ, thì ước mơ chụp hình não bộ của Thầy mới bắt đầu trở thành sự thật. Từ năm 2006 đến năm 2013, Thầy và viện đại học Tubingen đã thực hiện một loạt chương trình chụp não bộ khi ở trong trạng thái thiền định và không thiền định dùng máy fMRI (Functional Magnetic Resonance Imaging) và EEG (Electro encephalography). Kết quả cho thấy là ba tâm mà Đức Phật đã giảng dạy, là Vọng Tâm, Tâm Bậc Thánh và Tâm Tathā được đặt tại các khu vực khác nhau của não bộ. Các cơ chế trong não bộ tạo thành con đường ngôn ngữ nuôi dưỡng Vọng Tâm, gồm có Ý Căn, Trí Năng, Ý Thức, vùng Tầm, vùng Tứ, như lời Đức Phật dạy, cũng được nhận diện ở các vị trí khác nhau trong não. Vị trí của ba tánh Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Xúc Chạm được thiết lập rõ ràng. Qua các hình chụp khi Thầy đang ở trong mỗi tầng định của Đức Phật, Thầy cũng đã có thể công bố là vị trí của Tâm Tathā tức Tánh Nhận Thức Biết là ở vùng Precuneus ở thùy Đỉnh.
Qua chương trình chụp hình não bộ, Thầy đã mượn được khoa học về thần kinh để chỉ bày tác dụng của Thiền đối với thân, tâm và trí tuệ tâm linh của con người thật sự diễn tiến như thế nào khi ta thực hành đúng kỹ thuật, cũng như là khi ta thực hành sai kỹ thuật. Qua đó, Thầy đã chứng minh được là Thiền Phật Giáo là một môn khoa học tâm linh thực nghiệm: là một môn khoa học vì dựa trên các dữ kiện và bằng chứng khách quan; là một khoa học tâm linh vì mục đích của thiền là phát huy trí tuệ tâm linh; và thực nghiệm vì thiền dựa trên những kinh nghiệm cụ thể đã được Đức Phật và các Tổ chứng nghiệm và truyền lại, và ai theo đó thực hành cũng sẽ đạt được những kết quả tương tự. Phương pháp thực hành Thiền Tánh Không là tiến trình huấn luyện các tế bào não học một quán tính mới, đó là quán tính yên lặng.
Giống như lời Đức Phật dạy, Thầy xác nhận là thể nhập Tâm Như là con đường duy nhất đưa đến giác ngộ. Chìa khóa là thành lập Tánh Nhận Thức biết không lời vững chắc, đòi hỏi thiền sinh phải hiểu rõ vai trò của nhận thức trong việc tu tập. Con đường duy nhất giúp người thực hành thiền thể nhập (thể nhập tức là khi ta và đối tượng là một) các chủ đề lớn của Phật Giáo như Chân Như, Không, Huyễn là bằng nhận thức không lời. Lúc đó, một chủ đề như Chân Như sẽ nội tại trong nhận thức không lời, và có thể được gợi lên trong không lời. Nhận thức không lời cũng đưa đến phát triển trực giác, linh cảm, sáng tạo, sáng kiến mới, tâm từ, bi, hỷ, xả và là nền tảng thành tựu trí huệ Bát Nhã. Do đó Thầy gọi nhận thức là chìa khóa vạn năng. Muốn thành lập nhận thức về một đối tượng siêu vượt ta cần hiểu rõ đối tượng bằng cách thành lập một bản đồ nhận thức cô đọng và phải thực hành để bản đồ này in trong ký ức của ta. Lúc đó, khi cần, ta có thể gợi lên nhận thức và vẫn ở trong trạng thái không lời.
Thầy cũng chủ trương là mục đích của Thiền Tánh Không là phục vụ nhân sinh và tạo sự hài hòa. Trước tiên là tạo sự hài hòa trong chính tâm và thân của người thiền sinh, đưa tới tâm an lạc, thân khỏe mạnh và trí huệ tâm linh phát huy. Sau đó là hài hòa trong đời sống gia đình, trong cộng đồng và môi trường chung quanh qua cái nhìn khách quan như thật, qua cái ngã và lậu hoặc bị cô lập và lòng từ bi hỷ xả nảy sinh. Đối với những ai có tâm nguyện đi xa hơn nữa thì Thiền Tánh Không là cánh cửa đưa tới diệt khổ, giác ngộ, giải thoát và chấm dứt tái sinh.
Giáo trình Thiền Tánh Không bao gồm ba khóa tổng cộng chín lớp. Khóa thứ nhất là Khóa Thiền Căn Bản gồm một lớp, khóa thứ hai là Khóa Bát Nhã, gồm 4 lớp là các lớp Trung Cấp 1, 2, 3 và 4, và khóa thứ ba là Khóa Tâm Lý Học Phật Giáo, gồm 4 lớp là các lớp Cao Cấp 1, 2, 3 và 4.
Ban Tu Học