BÀI 2
KÝ SỰ CHUYẾN DU HÓA PARIS
5 - 2024
Khóa tu tại Paris bắt đầu từ thứ tư 8 tới chủ nhật 12 tháng 5- 2024. Rời thành phố Toulouse, mình bay đi Paris. Nghỉ 1 ngày, sáng thứ tư khai giảng khóa tu tại thành phố Noisy-Le- Grand, ngoại ô Paris. Đạo tràng Paris thành lập rất sớm, khoảng 21 năm rồi, đa số là những thiền sinh kỳ cựu đã từng tu học trực tiếp với Thầy Thiền Chủ, biết vậy cho nên sau này mỗi năm theo nề nếp mình đều đến các đạo tràng với ý định chỉ để thăm viếng mà thôi. Thiền sinh có thắc mắc khi thực hành, mình nhắc nhở lại lời giảng của Thầy khi xưa.
Nội dung nhắc nhở ở đây cũng là những chủ đề tổng hợp, thí dụ như trình bày rõ lại về con đường Thiền mà Thầy khi xưa chủ trương kết hợp tinh hoa của 3 hệ Thiền Phật giáo : Thiền Theravāda, Thiền Phát Triển, và Thiền Tông, Thầy còn đối chiếu với những kiến thức căn bản về khoa học não bộ để giải thích kết quả của việc thực hành Thiền ảnh hưởng như thế nào trên sức khỏe và trên trí tuệ của chúng ta. Ngoài ra, Thầy còn trao truyền cho chúng ta những cách thức thực tập cụ thể, chi tiết qua những trải nghiệm của riêng Thầy.
Đây là một đạo tràng kỳ cựu, có thể có nhu cầu phát huy trí tuệ hơn. Làm sao vượt qua vọng tưởng ? Tâm nếu đã yên lặng rồi, thì xong chưa ? Làm sao tiến tới nữa để phát huy trí tuệ sáng tạo ? Để trả lời những vấn đề này, mình đã tổng hợp các phương cách cũng rút ra từ kinh Nikāya, để trình bày thành chủ đề : Những tiến trình tâm. Sau đây mình ghi lại vài điểm chính trong những slideshows đã trình chiếu.
- Slide thứ 1 : Bây giờ được học Phật pháp, chúng ta biết mỗi người đều có bản tâm trong sạch, tự nhiên, sẵn có, từ nguyên thủy. Nhưng khi xưa chúng ta chưa biết điều đó nên khi sống trong đời, chúng ta dính mắc vào những thú vui của đời, được mãn nguyện thì sinh ra ái nhiễm, không được thì sinh ra giận ghét, rồi cứ trôi lăn mãi qua vô số kiếp sống, huân tập thêm hoài tham lam, sân hận, si mê.
- Slide thứ 2 : Bây giờ tỉnh ngộ, mình bắt đầu tìm tới Phật pháp, mình chọn con đường Thiền. Đối trị với tâm đang lăng xăng dính mắc, ưu tư buồn phiền, đức Phật dạy phải « chú tâm cảnh giác », ngày và đêm không cho các pháp ác khởi lên trong tâm. Khi ngồi thiền thì phải có một đối tượng rõ ràng, tập trung tâm vào, quan sát đối tượng. Như vậy tâm không buông lung phóng túng nữa. Cách này tạm đặt tên là « mindfulness ». Bước này thực tập vững chắc là để đối trị lăng xăng khởi niệm. Những vọng tưởng thô sẽ không còn nữa. Đối tượng là quan trọng, cần thiết khi mới bắt đầu dụng công. Đồng thời chủ đề cũng quan trọng.
Thí dụ : nghe tiếng chuông, có 2 phần : nghe, và tiếng chuông.
Tiếng chuông là đối tượng, không phải tiếng nhạc, hay tiếng khác.
Nghe là việc quan trọng hơn vì mình đang cần hiển lộ sự nghe (the hearing) và nhận biết sự nghe đang rõ ràng, trong suốt, tĩnh lặng, khách quan. Tạm xem « nghe » là chủ đề. Chỗ này có thể xem như bắt đầu có kinh nghiệm trạng thái « nhất tâm » (one-pointedness of mind/ citta-ekaggatā). Tuy nhiên bước này chỉ thực tập một thời gian ngắn, khi nhận thấy tâm hơi thuần rồi, tạp niệm ít khởi ra thì mình lên bước tiếp.
- Slide thứ 3 : Tâm bắt đầu yên lặng, bây giờ buông thả tâm, thư giãn, không tập trung nhiều vào đối tượng nữa. Chúng ta quan sát đối tượng một cách khách quan, trung thực, không khởi ý xét đoán, thích hay không thích. Đây là phương thức Như Thực/ Yathābhūta (Vipassanā). Nhận biết « cái đang là », « cái bây giờ và ở đây ». Bước này xem như Định và Tuệ đồng thời. Định khi tâm yên lặng, không lay động trước cảnh. Tuệ khi nhận biết cảnh khách quan. Cách này tạm đặt tên là « Awareness » hay « Bare awareness », cũng là “không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng ». Ta cũng có thể xem như bắt đầu kinh nghiệm trạng thái chân tâm, hay tâm thuần nhất « citta-ekodibhāva » (unified mind). Cũng có thể nói đây là như thực trí ( yathābhūta ñāṇa) hay như thực tri kiến (yathābhūta ñāṇa dassana), chưa là toàn trí. Cần phải tiến lên nữa để thấy tới thực tại cuối cùng, hay bản thể rốt ráo của hiện tượng thế gian.
- Slide thứ 4 : Chúng ta bắt đầu nhìn sâu hơn vào đối tượng, thường xuyên quan sát đối tượng, mình sẽ nhận ra đối tượng thay đổi luôn, mình thấy ra qui luật « vô thường », có sanh có diệt của đối tượng. Đây là cách Quán chiếu (Anupassanā). Nhìn sâu hơn nữa : tại sao vô thường ? Vì nó là pháp do duyên sinh, không có thực chất bền chắc, bản thể nó trống không, nó là huyễn có.
- Slide thứ 5 : Tâm trở nên thanh thản, không dính mắc bất cứ cái gì trong đời. Bây giờ là tâm chiếu sáng, thấy rõ tất cả những chân lý hiển hiện khắp nơi.
Và qua thời gian, kho báu trí tuệ sáng tạo sẽ tung ra bất cứ lúc nào những nhận thức mới như những tia chớp, mình cứ đưa tay ra chụp bắt, như chụp banh thật nhanh trên sân vận động vậy.
Và cũng thiệt là tự nhiên, mình có thể tự tin, trình bày ra rõ ràng lưu loát, trung thực tất cả những gì mình đã thực sự trải nghiệm, trong cách riêng của mình. Đây là biện tài, sư biểu hiện tự nhiên của trí tuệ, cũng như đời sống từ, bi, hỷ, xả bình đẳng hiển lộ từ từ một cách tự nhiên càng ngày càng bao la hơn, cao thượng hơn.
Tới đây thì :
Gút lại, tất cả các bước dụng công đều là những tiến trình, là có vô số mức độ, vô số phẩm chất khác nhau vi tế, mình cố gắng đơn giản ra để gượng trình bày vậy thôi.
Trên đây là nói gọn lại bài giảng nòng cốt dành cho đạo tràng Paris như là khơi nguồn trí tuệ của mình. Đó là tiến trình chuyển hóa tâm, ứng dụng vừa Quán Anupassanā, vừa Tuệ Vipassanā, vừa Định Samādhi. Thiệt ra đây là mình nương theo phương thức thực hành trong 2 bài kinh lớn: bài kinh Niệm Xứ và bài kinh Tiểu Không.
Bài kinh Niệm Xứ dùng Tuệ /Vipassanā để gom tâm lại vào 1 đối tượng và tuệ tri đối tượng. Sau đó dùng Quán/ Anupassanā nhận ra tánh sanh diệt của đối tượng để buông bỏ đối tượng và tất cả thế gian. Cuối cùng là an trú trong chánh niệm như vậy, tức thể nhập « chân như ».
Bài kinh Tiểu Không dùng Tuệ Vipassanā quan sát tâm mình đang còn có 1 ý tưởng duy nhất. Sau đó dùng Quán Nhân duyên, biết “Cái kia có, cái này có”, ý tưởng duy nhất này là pháp duyên sinh, bản thể nó trống không, trống rỗng. Đó là thực hành chân thật “tánh Không .”
Qua phương trình thực hành này, chúng ta nhận ra bằng cách Quán (Anupassanā) hay Tuệ (Vipassanā) cũng cho kết quả là có tuệ trí hiểu biết chân lý và buông bỏ tất cả dính mắc. Tức là tâm không lay động, rối ren vì cảnh đời nữa, thì là tâm gì? Là tâm Định, Định trong đời sống mới là Định vững chắc, khi tọa thiền làm sao có vọng tưởng nào khởi lên?
Vọng tưởng thường khởi lên là vì tâm còn dính mắc.
Chỉ có trí tuệ mới xoay chuyển được tâm, mới chuyển hóa tâm, mới thanh lọc tâm, làm cho tâm trong sạch, tĩnh lặng, khách quan.
Tâm còn băn khoăn, còn ưu tư, còn phiền não thì vẫn còn phải bung lên. Nếu ta cứ khăng khăng không cho nó biểu hiện ra thì nó sẽ trở nên tùy miên.
Trên đây là nói gọn bài tổng kết về “Những tiến trình Tâm” của mình dành cho đạo tràng Paris.
Ngày chủ nhật bế giảng khóa tu, nhân có vài ngày rảnh rang trước khi bay lên Berlin, mình và Như Vân được đi tham quan Rome cùng hai thiền sinh đạo tràng Đức phát tâm hướng dẫn. Lần đầu tới Rome, mình để ý thấy cây cảnh hai bên đường phố, có 1 loại cây đặc biệt, mọc rất nhiều, giống như loại thông hay tùng bách, tàn cây như cái dù che mưa nắng. Ban đầu mình tưởng là người ta cắt xén cho đẹp. Đến khi ra khỏi thành phố, đồng trống bỏ hoang, loại cây này cũng rất nhiều, thân cao khẳng khiu, mà tàn lá xanh lại xòe ra như cây dù, thiệt lạ và đẹp.
Trời đang tháng 5 mà ở đây lại quá nóng. Du khách quá đông. Buổi sáng đi xe tới Vatican, chạy vòng quanh khuôn viên Vatican, thấy du khách xếp hàng thật dài hàng cây số, ngoài nắng, đợi vào cổng, mình chịu thua, quyết định không vào bên trong nữa.
Vatican như một thành phố nhỏ nằm gọn trong trung tâm thành phố Rome, được bao bọc bằng một bức tường thành kiên cố, thật cao, chắc chắn, màu xám đen cũ kỷ, cho mình liên tưởng tới vạn lý trường thành ngày xưa có kiên cố như vầy không, vạn lý trường thành ở biên giới kiên cố để ngăn giặc. Còn ở đây, giữa thành phố Rome văn minh hoa lệ, tường thành này kiên cố để làm gì?
Thiền viện, 8-6- 2024
TN