CÁC BƯỚC THỰC HÀNH
Tu là một tiến trình từ đơn giản đến khó hơn, cái biết ban đầu chưa có vững chắc, lần lần trui rèn cho vững chắc và rõ ràng hơn.
Khi đi thiền hành lúc trời tốt thì mình ra ngoài sân hay ngoài vườn mình đi thiền hành, đầu tiên là mình đi mà mình biết bước chân của mình chạm với đất, mình đặt cái biết ở bàn chân chạm vào đất, mình sẽ cảm nghe rõ ràng khi mình đi trên sỏi, khi mình đi trên đất bằng, khi mình đi trên gạch, nó có sự xúc chạm khác nhau. Cái biết xúc chạm nó rất là chi ly, tỉ mỉ. Đó gọi là chánh niệm tỉnh giác. Đó là cái căn bản đi biết mình đang đi.
Khi ta tập đi thiền hành
ngoài vườn nắng ấm mây xanh êm đềm
bước trên thảm cỏ xanh mềm
nhẹ nhàng từng bước êm đềm thong dong
buông hết mọi sự trong lòng
chủ đề tâm đặt trong lòng bàn chân
cảm nhận tiếp xúc đôi chân
cỏ, đất, đá, gạch dưới chân của mình
chi ly xúc chạm da mình
chánh niêm tỉnh giác biết mình đang đi
Khi tâm mình đã thuần, bình an rồi mình không cần để ý đến bước chân đi nữa, mình có thể thấy cảnh chung quanh, không còn nhìn xuống đất nữa. Chủ đề mình là đi, nhìn thấy cảnh và từ từ mình buông chủ đề bước chân đi. Mình đổi sang chủ đề biết thấy cảnh chung quanh. Mình nhìn tổng quát cảnh và chỉ biết thôi cũng không có xét đoán phê bình, hay dính mắc vô cảnh. Đó là bước kế tiếp để mình mở tâm mình ra rộng hơn.
không còn để ý bước chân thiền hành
mình có thể nhìn chung quanh
Nhìn tổng quát cảnh trời xanh mây vàng
vẫn đi với tâm nhẹ nhàng
không có dính mắc hoa vàng cỏ xanh
Nhẹ nhàng trao đổi đôi lời thật tâm
Không còn mưu toan xa xăm
Đi, thấy, nghe, chạm âm thầm biết thôi
bao nhiêu giông bão qua rồi
Mong sao buông được cái tôi trong lòng
Khi ngồi thiền ở trong thiền đường, thông thường mình thực hành pháp thở là pháp căn bản của Phật giáo.
Ban đầu mình phải gá ý vào hơi thở vô ra chỗ mũi, khi mình hít vô mình nghe có hơi hít vô mình biết, thở ra hơi từ mũi thở ra. Không có cần phải theo dõi hơi thở đi đâu.
Khi tâm mình đã yên, mình buông hơi thở, không để ý hơi thở vô ra. Mình quan sát cái tâm của mình. Mình biết cái tâm mình thôi. Lúc đó mình nhận biết ở trong tâm mình như thế nào.
Khi nghe tiếng chuông, ban đầu đánh chuông mình nghe theo tiếng chuông. Tức là có đối tượng biết đang nghe tiếng chuông, gom tâm lại vào tiếng chuông, để tâm không phóng đi chỗ khác.
Khi lên bước thứ hai, cô cũng đánh chuông nhưng cái trọng tâm của mình là biết đang nghe, buông tiếng chuông. Và một lúc sau, cô không đánh chuông mình nghe những âm thanh khác: tiếng xe chạy, tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi, tiếng chim hót. Mình thực tập nghe tất cả âm thanh.
Rồi tới một lúc nào đó, tối trước khi đi ngủ mình ngồi thiền, mình thực hành nghe mà không có âm thanh nào. Lúc đó mình nhận biết cái tâm mình hoàn toàn im lặng. Đó là mình quan sát cái tâm của mình. Khi đó cái nghe là quan trọng còn âm thanh không còn quan trọng nữa.
Chia sẻ khi nghe bài pháp thoại số 246: "Sống Thiền Trong Gia Đình" của Ni Sư Triệt Như.
Ngày 6 tháng 8 năm 2024
Trường Nguyễn