TỨ NIỆM XỨ và U80
Chúng ta trong thời đại của INTERNET, với Smart phone, YouTube, Facebook … biết rằng trong vũ trụ có các tần số năng lượng; cùng một tần số sẽ dễ nối tiếp với nhau, vì thế ta có thể nối kết được với những người thân qua phone, Internet khắp nơi trên thế giới; những kênh YouTube, Facebook giúp ta nối kết với những người xung quanh, ít nhiều tùy theo số thành viên của nó; có kênh có hàng triệu người, nhưng cũng có kênh có vài trăm thành viên.
Suy tư và hành động của mỗi cá nhân cũng sẽ tạo ra những tần số năng lượng; những người có cùng lý tưởng, sở thích sẽ có cùng tần số năng lượng và tạo thành những dòng năng lượng riêng (những người có cùng yếu tố văn hóa, chủng tộc, địa lý sẽ tạo ra dòng năng lượng gọi là lòng yêu nước… nó không có hình tướng, nhưng rất thật, rất thiêng liêng).
Trên con đường đạo, mỗi pháp môn có một nhóm người tu tập và tự hào về việc thực hành của mình; trứơc đây khi nghe những người theo Tịnh Độ nói là khi chết họ có chỗ để về (cõi Tịnh Độ), những người trì chú Đại Bi, Lăng Nghiêm, Lục Tự Di Đà, Úm Ma Ni Bát Nhi Hồng … cho rằng trì chú rất linh thiêng, hay là những điều kỳ diệu sảy ra của việc niệm đức bồ tát Quán thế Âm; nghe như vậy nhiều người nghĩ là họ mê tín dị đoan. Nhưng nếu nhìn dưới dạng Năng Lượng, những pháp môn này đã có từ ngàn năm trước, với năng lượng của tỉ tỉ người đã và đang trì tụng hợp lại, thì uy lực của những pháp môn này mạnh mẽ biết chừng nào? Cổ nhân thường nhắc “linh tại ngã bất linh tại ngã”, tất cả là do tần số năng lượng của người trì tụng, có đạt được tới đúng tần số năng lượng của dòng chảy họ đang thực hành hay không! linh thiêng hay không là ở điểm này (mặc dù họ vẫn luân hồi trong tục đế).
Hiện tại, có nhiều nhóm tu Thiền và có nhiều Thiền Sư, tùy phương pháp thực hành, mỗi nhóm sẽ có tần số năng lượng riêng, tạo ra những dòng tư tưởng riêng, lớn nhỏ tùy theo số người tham dự … có nhóm là tập hợp năng lượng của hàng triệu người, nhóm khác là năng lượng của vài trăm người và cũng có nhóm chỉ có vài chục người cùng nhau tu tập. Nếu những người Tu Thiền này không theo đúng hướng để “thể nhập chân như”, kết nối được với dòng chảy chính của Thiền, và hoà nhập với dòng năng lượng đó, thì chắc chắn dù cố gắng tới đâu, những nhóm Thiền mới thành lập này, cũng không thể bắt kịp những dòng chảy khác đã khởi đầu từ ngàn năm trước, về phương diện năng lượng. Ngay thời nhà Tống bên Trung Hoa, khi công án, thoại đầu đang thịnh hành ; nhiều thiền sư ( có lẽ đã nhận ra điều này ), đã chủ trương mang Niệm Phật vào Thiền, nổi tiếng nhất là ngài Vĩnh Minh Diên Thọ( — 975 )* , ngài Vĩnh Minh còn mạnh miệng nói rằng “ những người học Thiền mà không có Niệm Phật mười người hết chín không thể đạt mục đích, còn niệm Phật mười người đạt cả mười “ ; nếu suy nghĩ kỹ thì ngài nói khá đúng vì những người niệm Phật miên mật , sẽ nhập vào dòng chảy ngàn năm có sẵn ( họ về với nhóm của họ , trong tục đế ) .
Căn bản của đạo Phật là vô ngã, và đức Phật dạy rằng tứ niệm xứ là con đường duy nhất để đạt được chánh trí và giác ngộ niết bàn; làm thế nào để thực hành tứ niệm xứ trong vô ngã, để thấy được tịnh tĩnh niết bàn?
Các trường phái hiện nay, phần nhiều chia tứ niệm xứ thành 4 môn, thân, thọ, tâm, pháp riêng biệt để tu tập; như vậy là vẫn tập trung vào một đối tượng để thực hành; việc tập trung vào một đối tượng là hình thức tu Chỉ (samatha), [chú ý (concentrate) vào một đề mục, một cảnh để tâm yên lặng], có được sự tĩnh lặng của tâm thức bằng cách này, là do Bản Ngã mong cầu , vẫn trong Tục Đế .
Trong Đại Kinh Xóm Ngựa phần chánh niệm tỉnh giác, hướng dẫn việc thực hành rất tỉ mỉ.
……….
Này các tỳ kheo, thế nào thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa?
— “chúng ta phải chánh niệm tỉnh giác, khi đi tới đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn uống nhai nuốt đều tỉnh giác, khi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi, đứng, yên lặng, thức, nói đều tỉnh giác”,
như vậy này các tỳ kheo các ông cần phải tu tập.
Có thể, đây là kinh nghiệm riêng của đức Phật khi ngài đơn độc ở dưới cội Bồ Đề, trong rừng sâu hoang vắng , xung quanh không có người để tiếp xúc, nên ngài chỉ quán sát và nhận biết thân tâm của ngài ; vì vậy ngài dạy các tỳ kheo, phải tỉnh thức nhận biết mọi hành vi dù nhỏ nhất , xảy ra trên thân và trong tâm của họ ; thời ngài Bách Trượng , vì điều hành một thiền viện đông đúc , ngài chủ trương “một ngày không làm, một ngày không ăn”; đưa thêm những sinh hoạt hành ngày của hành giả như việc lau tượng, quét nhà, cuốc đất , trồng rau….làm đối tượng để hành trì.
Nghĩa là lúc nào hành giả cũng phải tỉnh thức, biết rõ mọi việc sảy ra trên thân trong tâm và quanh mình; tâm không có cơ hội để lang thang về quá khứ hay hướng tới tương lai hoặc hướng ra bên ngoài, từ từ tâm sẽ tự yên lặng.
— Tóm lại qua tứ niệm xứ Phật dạy , TU THIỀN không phải là ta chủ động đi tìm ÔNG CHỦ bắt ông ta phải yên lặng , để cho CĂN NHÀ không ồn ào , mà là huấn luyện người GÁC CỔNG , tên là Tỉnh Giác, Tỉnh Thức hay Cái Biết để nó càng ngày càng nhạy bén hơn ; người Gác Cổng tinh mắt sẽ phát hiện những kẻ lạ mặt , không cho vào trong nhà làm ồn ào ; nên ÔNG CHỦ và CĂN NHÀ giữ được sự YÊN LẶNG sẵn có , không có chủ thể mong cầu nên Vô Ngã, trở về Tâm Cảnh Nhất Như của vạn pháp ( Chân Như là cái không tên và ở khắp mọi nơi ) ; TÂM ( ông chủ ) hòa nhập với Vũ Trụ Tâm.
Ở tuổi U80, thấy thời gian không còn nhiều, nên cố niệm Phật, trì chú, ngồi thiền miên mật; nghĩ rằng phải có một thời gian, không gian riêng biệt để hành trì. Nhiều người đã bỏ mặc người đã cùng chia sẻ ngọt bùi mấy chục năm với nhau, (duyên nợ đã gần hết) thui thủi một mình, tìm đường tu tập. Có người đóng cửa chuyên tu, làm phiền những người xung quanh phải cơm bưng, nước rót. Khi rời khỏi những môi trường đặc biệt này họ thấy xung quanh ồn ào, bừa bãi …không hợp ý mình; trở nên người khó chịu!!
Các hành giả tụng kinh, niệm Phật, trì chú dúng mức sẽ hòa nhập vào tần số năng lượng của dòng chảy họ đang thực hành, có từ ngàn năm trước. Riêng các hành giả tu Thiền chỉ có một hướng đi đúng nhất là thực hành Tứ Niệm Xứ ( Phật dạy , tứ niệm xứ là con đường duy nhất ) ; muốn vậy lúc nào cũng nhận biết những cảm nhận trong tâm và những cảm thọ trên thân ; đồng thời nhận ra , khi tự mình làm những việc thường ngày như quét nhà, rửa chén , hút bụi …(để không mượn thêm nợ mới từ những người xung quanh, duyên nợ kiếp sau chấm dứt) sẽ giúp mình mang tâm về với thân ; mình sẽ dễ thương hơn, cuộc sống hài hòa hơn vì biết mỗi việc làm là cơ hội để tu tập ; càng nhiều việc, càng nhiều vấn đề đến với mình , việc tu tập càng tiến bộ nhanh (Phiền Não Tức Bồ Đề) [kinh dạy chỉ cần 7 ngày, 7 tuần, 7 tháng hoặc tối đa 7 năm ; nếu tin theo Phật, nên tin lời dạy này , nghiêm túc thực hành, đây là sự thật , ở tuổi U80 chưa trễ ! Chỉ cần một lần nhận ra sự tịch tĩnh của niết bàn là ta kết nối được với tần số của dòng chảy Tào Khê]; cái Biết càng ngày càng rõ nét, bén nhạy; tâm thức sẽ tự yên lặng, là Chánh Định trong Bát Chánh Đạo.
Là U80, khi ĐI biết mình đang đi, cẩn thận để tránh bị té ngã; khi ĂN biết mình đang nhai, đang nuốt, chậm rãi để khỏi bị nghẹn; khi NẰM khi NGỒI đều rõ biết; tâm lúc nào cũng ở bên thân, đó là ta đang thực hành tứ niệm xứ ở mọi lúc, mọi nơi.
Tuệ Tâm
Sacramento, tháng 10/2024.
- Thiền Luận, Suzuki- Tuệ Sĩ dịch. (tập 2).