HỘI THIỀN TÁNH KHÔNG TRUNG ƯƠNG

HT Thích Thông Triệt: SỰ KHÁC NHAU GIỮA Ý THỨC VÀ TÁNH GIÁC

10 Tháng Mười 20222:16 CH(Xem: 1770)

SỰ KHÁC NHAU GIỮA Ý THỨC VÀ TÁNH GIÁC

 

Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề "BA SẮC THÁI BIẾT"

do Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn

HT-Thông-Triệt--KCB-2010-#-43

 

 

  • Thứ nhất, ý thức luôn luôn là sự hiểu biết có lời phúc trình (verbal report). Sự phúc trình này được tiến hành bằng khái niệm có lời, như nói thầm hay nói ra ngoài miệng, hoặc bằng chữ viết và bằng khái niệm không lời, như ra dấu hoặc tỏ thái độ qua thân mình hay tứ chi.

 

Còn tánh giác là biết không lời hay biết không khái niệm, vì cơ bản nó không đòi hỏi tính phúc trình (reportability) như cái biết của ý thức. Tuy nhiên, nếu cần phúc trình, nó vẫn phúc trình được.

 

Thí dụ, ta đương có kinh nghiệm về sự tỉnh thức trong tiến trình thực hành vào cửa không, ta có thể thuật lại kinh nghiệm này cho người khác biết, nếu ta muốn. Ta có thể không chú ý đến sự kiện này – kinh nghiệm về tỉnh thức – trong tiến trình ta đương kinh nghiệm, nhưng ít nhất ta có thể tập chú vào sự kiện đó trở lại để phúc trình lại về nó cho người khác biết rằng ta đã kinh nghiệm tỉnh thức như thế nào. Còn trong lúc đương ở trong trạng thái đó, ta chỉ nhận biết bằng cái biết không lời (nonverbal awareness) về những diễn biến trên thân và trong tâm ta. Thiền ngữ gọi là “thầm nhận”.

 

Sự thầm nhận này chính là do vai trò tánh giác đảm nhiệm, chứ không phải vai trò của ý thức, như có người đã hiểu lầm như thế. Tại sao? Vì ý thức là cái biết có tính phúc trình hay biết công bố (declarative knowledge), còn tánh giác là cái biết có tính trầm lặng (reticentability) hay biết thủ tục (procedural knowledge).

 

  • Thứ hai, ý thức luôn luôn đi kèm theo sự nhận biết (awareness), còn tánh giác thì không cần ý thức. Có nghĩa ta có thể nhận biết một sự kiện mà không có bất cứ hiện tượng kinh nghiệm nào trong đó. Thuật ngữ của chân lý tối hậu gọi là biết như thật, vật thế nào thấy y như thế đó.

 

  • Thứ ba, cái biết của tánh giác là cái biết tức khắc, đồng bộ (synchronous awareness), không có kèm theo ngữ ngôn trong đó. Còn cái biết của ý thức luôn luôn kèm theo ngữ ngôn – dù đó là sự nói thầm hay đối thoại bên trong (inner dialogue) – và luôn luôn dựa trên ký ức, nhưng biết từng phần riêng rẽ vì nó là cái biết phân biệt (discriminative knowledge), có sự so sánh hay đối chiếu giữa hai vật hay nhiều vật với nhau.


Hòa Thượng Thích Thông Triệt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
69,256