RỬA GIÁ, TRỘN GỎI
Hôm nay, mình thử làm bếp nha các bạn. Món salad hay gỏi có lẽ làm mau nhất, không cần nấu nướng mà lại dễ ăn, ngon miệng nữa. Mình chọn vật liệu giá, chỉ vì giá trắng, sạch, bỏ vào nước lạnh, quơ quơ qua lại rồi vớt ra, bỏ vào một cái rá cho ráo nước. Nhìn lại thau nước, những cọng giá nào gảy nhỏ thì còn rơi lại trong thau, mấy cái vỏ đậu xanh cũng rơi lại, mình chỉ còn những cọng giá tốt thôi. Bây giờ sau khi nhặt rau thơm, lại cũng ngâm nước với chút muối, rửa vài lần, rồi cũng vớt ra. Lấy những lá rau tốt, sạch, còn lại trong thau nước là những lá rách, vụn, thì bỏ đi.
Tới phần làm gỏi. Lấy một dĩa lớn, mình có sẵn đu đủ xanh bào rồi, hay bắp chuối non bào nhuyễn, trộn với giá, rau thơm. Nếu có thì cho thêm vài lát thơm vào chua chua ngọt ngọt, hay vài lát táo, rồi trải vài lát cà chua đỏ thắm lên, rắc thêm một nắm đậu phọng, thêm vài lá ngò thơm, trước khi mang ra thì cho vào dầu giấm nữa là xong. Chúng ta có một món gỏi đặc biệt. Đặc biệt vì không giống ai!
Sao hôm nay mình lại vẽ ra món ăn vậy? Các bạn ơi, việc làm bếp đâu có khác việc tu tập. Làm bếp để sống, thì tu tập cũng để sống thôi. Cho nên những nguyên tắc để làm bếp tốt cũng là những nguyên tắc để tu tập tốt.
Trong việc làm gỏi ở trên, tạm chia ra hai việc:
Trước nhất là rửa giá, rửa rau.
Sau là trộn gỏi.
Việc tu tập của mình cũng tạm chia ra hai bước, theo Phật và Tổ dạy:
Tự giác, giác tha hay tự độ, độ tha.
Ở đây, mình chỉ nói đơn giản là: tu học và phục vụ đời.
Bước đầu, chúng ta tỉnh ngộ, muốn tìm pháp nào thích hợp khả năng của mình. Chúng ta thường đi tham vấn, nghe giảng pháp nhiều nơi, sau khi suy gẫm cẩn thận, chúng ta chọn pháp môn, chọn vị thầy hướng dẫn. Đi sâu vào, thấy tu tập có chút kết quả, chúng ta phát tâm quy y Tam Bảo, vị thầy chúng ta quy y sẽ là vị thầy y chỉ của mình. Tam tạng kinh điển rất nhiều, nên phức tạp, mình là người sơ cơ, nên cần chọn lọc pháp nào thích hợp với căn cơ của mình để thực hành, học, suy gẫm, tìm hiểu, đúc kết lại cái tinh hoa của Pháp, đi thẳng vào Pháp, không đi vòng vo, không lạc vào văn tự chữ nghĩa.
Bước này tương tự rửa giá, rửa rau vậy. Nói theo luận lý như là pháp quy nạp.
Bước thứ hai, sau thời gian tu tập có kinh nghiệm tốt, sức khỏe tốt hơn, tâm bình an, trí hiểu biết thêm kinh điển, chúng ta có thể giúp những người thân trong gia đình, bạn bè, lần lần những ai tới gần cầu giúp đỡ, an ủi, khuyến khích, chúng ta có thể tùy theo mà giúp. Cái vốn của mình bây giờ là: những lời Phật và Tổ dạy trong kinh sách, cộng thêm những hiểu biết qua sự trải nghiệm thực sự của mình, cộng thêm những kinh nghiệm trong cuộc đời thực tế v.v…Tới đây, trí tuệ phát huy theo sự dụng công tu tập của mỗi người. Cái khéo trong việc tiếp xúc với đời là nơi trí tuệ và phẩm chất của tâm, từ bi hỷ xả ra sao.
Vì thế công việc diễn giải ý nghĩ, quan điểm của mình không phải là một việc đơn giản đâu. Nó đòi hỏi nhiều kỷ năng: dùng chính xác từng chữ, diễn tả đúng từng câu, thông hiểu từng ý, và nghị luận hợp lý, tạm gọi là tứ vô ngại giải. Tất cả những điều kiện này là từ kho báu của mình, tạm gọi là “trí tuệ Bát nhã” hay Phật Tánh.
Bước thứ hai này, giống như dĩa gỏi, có thêm gia vị, sẽ ngon hơn, tùy theo người làm bếp có kinh nghiệm nhiều không, có khéo không. Bước này tương tự trong luận lý, là pháp diễn dịch. Từ những hiểu biết cô đọng khi học và thực hành, chúng ta phải diễn dịch ra, giải thích rõ hơn, trình bày thêm nhiều ví dụ, đối chiếu lời Phật, lời Tổ và trong thực tế. Đây là nghệ thuật nói. Ngoài ra âm thanh cũng rất quan trọng, giọng nói rõ ràng, vừa đủ nghe, không mau không chậm, lưu loát, chân thành. Kể ra thì nhiều điều kiện, mà thiệt ra thì tất cả sẽ xuất phát tự nhiên trong Phật Tánh thôi.
Nói gút lại, việc gì ta làm cũng là tu tập, con đường đời cũng là con đường tu, do nơi cái tâm của mình, nó thấy ra sao. Nó thấy ra sao, đó là cảnh giới mình đang sống.
Thiền viện, 24- 2- 2023
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 30
RỬA GIÁ, TRỘN GỎI