Suy gẫm kỹ lại về kinh Nikāya, dường như không có phương thức nào rõ ràng được xem như là Định/ Samādhi.
Phương thức Thở có thể tạm xếp là Định, do nhan đề: Định niệm hít vào thở ra / Ānapānasati samādhi, tuy nhiên cũng có kinh Quán niệm hơi thở/ Ānapānasati sutta. Trong bài kinh Niệm Xứ phần 1, Quán Thân, thì hơi thở là tiểu mục thứ 1, được xem như là Quán/ Anupassanā hay Tuệ/ Vipassanā. Trong riêng tiểu mục về thở này, đức Phật nhắc nhở các vị tỳ kheo:
“ Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra…”
Còn tất cả những phương thức thực hành khác đều không cần phải đúng tư thế “ngồi kiết già, lưng thẳng”, chúng ta có thể thực hành trong đời sống bình thường, khi đi, đứng, ngồi hay nằm. Có phải vì phương thức Thở cần phải thư giản thân và tâm hoàn toàn mới có thể đạt tới những thành quả tĩnh lặng sâu lắng? Có phải vì thế mà chúng ta có thể tạm xếp Thở như một phương tiện vào Định?
Trở lại kinh Nikāya, bốn tầng Thiền qua đó đức Phật phát huy ba minh còn được gọi là bốn tầng Định, do đó mình hiểu Định có một vai trò quan trọng trong Thiền Phật giáo, xem như Định là cây cầu phải bước qua mới có thể khám phá tới khung trời bao la của trí tuệ bát nhã.
Bốn tầng Định đó thường được trình bày như sau:
- Ly dục, ly ác, bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ.
- Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
- Ly hỷ trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "xả niệm lạc trú", chứng và trú Thiền thứ ba.
- Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Chúng ta có thể nhìn 4 giai đoạn này một cách khái quát đơn giản như sau:
1- Giới hạnh trong sạch, nên tâm hỷ lạc, tuy vẫn còn suy tư, còn lời nói thầm thì trong tâm.
2- Vào định, tâm tĩnh lặng (không suy tư, không nói thầm), tâm hỷ lạc nhiều hơn nữa.
3- Cái Biết trở nên trong sáng rõ ràng tỉnh thức, tâm an lạc nhẹ nhàng.
4- Tâm hoàn toàn thanh thản, trầm lắng, khách quan, làm chủ cảm thọ, và trở nên không động.
Chúng ta có thể nhận xét như sau:
- Đây chỉ là một dòng tâm không ngừng tuôn chảy, một tiến trình tâm hay một tiến trình cảm thọ từ ban đầu là thô (hỷ lạc), tiến tới mềm dịu hơn (lạc), rồi cuối cùng là thanh thản (làm chủ cảm thọ).
- Đức Phật không bao giờ nói rõ ngài đã thực hành cách nào để “diệt tầm và tứ”, cách nào để “ly hỷ trú xả”, hay “Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước”.
- Bước đầu “ly dục, ly bất thiện pháp”, thì chúng ta có thể biết đó là dùng “Giới” để bước vào.
Bài viết ngắn này chỉ là những nhận định chủ quan của một người sơ cơ, nhiều lần ngần ngại, không dám trình bày ra chủ đề “Định” này. Chủ đề “Định” có thể phải trình bày rõ ràng trong 1 quyển sách, có khi cũng chưa hết. Tuy nhiên hôm nay phải tạm trình bày ra, như là trong tinh thần”kiến hòa đồng giải” với các bạn hiền, vì đã lỡ có mấy bài “Từ cổng Giới, Từ cổng Quán, Từ cổng Tuệ” rồi, thì phải có phần “Từ cổng Định” mới xong.
Rất mong được sự chỉ dạy của chư vị Thiền Đức nếu không đúng với Pháp.
Từ lâu, mình vẫn có những băn khoăn này:
- Đạo Phật là đạo giác ngộ, tức là phát huy trí tuệ siêu vượt, hiểu biết tất cả những qui luật của vũ trụ, của con người, để sống an lạc hài hòa cùng nhau. Trí tuệ siêu vượt của Đức Phật đã phát huy sau bốn tầng Định rồi từ đó phát huy mãi. Vậy tại sao trong kinh tạng Nikāya lúc nào cũng chỉ trình bày phớt qua 4 tầng Định này?
- Tại sao trong kinh không nói rõ Đức Phật thực hành cách nào để tiến lên các tầng Định cao hơn?
- Đôi khi kinh trình bày về pháp Thở, trình bày riêng rẻ. Không bao giờ có nói, ví dụ như: Ta đã thực hành Thở mà đi vào 4 tầng Định v.v…Tại sao vậy?
- Trong ý chủ quan của mình, 4 tầng Định này là điểm nổi bật nhất mà người tu theo Phật chú ý tới vì nó là điều kiện cần để phát huy trí tuệ siêu vượt. Vậy tại sao luôn luôn chỉ trình bày quá cô đọng như vậy? Không thiếu 1 chữ, cũng không thêm 1 chữ. Đây là ý của Đức Phật, hay là ý của chư Tổ khi kết tập kinh điển?
- Có phải đây là “con đường độc nhất…thành tựu chánh trí, chứng ngộ niết bàn” là con đường thanh tịnh tâm, làm chủ cảm thọ, diệt trừ sầu não, khổ ưu. Bốn tầng Định, thường nói là bốn tầng Thiền, mà cũng chính là bốn tầng Tâm thôi. Tạm nói là bốn tầng mà thiệt ra đó là tiến trình liên tục chuyển hóa của tâm.
- Kinh không nói dùng cửa nào để đi vậy có phải chư Tổ khai triển ra, nói là 84 ngàn cửa để vào cũng cùng ý nghĩa đó, lại cũng có nghĩa là không có cửa nào cả, vì cái tâm đó chính là bản tâm của mình, nó không sanh không diệt, nó có sẵn đây rồi, ta chỉ trở về nhận ra Tâm chân thật của mình thôi. Không có pháp môn, không có con đường, không có phương tiện nào cả, không có ngăn cách không gian hay thời gian giữa ta và Tâm.
Bây giờ xin đi vào thực tế, chúng ta tạm khảo sát vài cách thực tập để có kinh nghiệm tâm yên lặng, không tầm không tứ, hay nói đơn giản là Biết rõ ràng mà không có lời nói thầm khi biết, ta tạm gọi là cái Biết không lời.
Ngày xưa, thầy Thiền chủ hướng dẫn nhiều cách đơn giản lắm, ngay trong khóa học căn bản, chúng ta đã được học:
1- Trước nhất nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, ngay cái thấy đầu tiên, ta thấy tổng quát, tức khắc, thầm lặng, thầy chỉ cho ta nhận ra khi đó là cái lóe sáng Biết đầu tiên, hoàn toàn yên lặng, rõ ràng, trong chớp mắt. Đó là cái Biết không lời, của chân tâm lóe lên tức khắc. Nó đầy đủ phẩm chất của chân tâm: trong sạch, tĩnh lặng, khách quan. Đây là cửa để vào Định. Tuy nhiên nếu kéo dài thời gian, tâm sẽ suy nghĩ, nhớ tên, xét đoán.v.v…
2- Nhìn lướt: mở mắt, nhìn qua trái, rồi qua phải, thấy tổng quát, thầm lặng, tổng quát nên chưa kịp nói tên từng cái. Cách này kéo dài cái Biết không lời thêm một chút.
3- Nhìn xa: không chú ý tới một đối tượng nào, nên cũng thầm lặng, cũng kéo dài cái Biết không lời.
4- Nhìn lưng chừng, khoảng cách giữa ta và đối tượng, đó là khoảng không, không có vật gì, nên cũng là Biết không lời.
5- Nghe tiếng chuông: lắng nghe âm thanh ngân dài, lúc đó là cái Biết không lời kéo dài theo tiếng chuông. Thực tập nhiều để nhận ra cái Biết không lời vẫn có mặt khi không có âm thanh.
6- Thiền hành: đi từng bước, cái Biết không lời nhận rõ từng bước chân chạm mặt đất.
Trên đây là những cách thực tập ban đầu để nhận ra cái Biết không lời, thực tập nhiều trong đời thường, cái Biết không lời sẽ càng lúc càng kéo dài, rõ ràng, vững chắc thêm, ta có khi cũng sẽ kinh nghiệm trạng thái tâm yên lặng/ Samatha.
Bước tập cao hơn 1 chút đó là:
7- Không định danh đối tượng: là nhìn thấy một đối tượng nhưng không gọi thầm tên đối tượng trong tâm. Lúc đó ta biết rõ trong tâm hoàn toàn yên lặng, trống rỗng. Cách này tập với cái thấy thích hợp hơn với cái nghe hay xúc chạm.
8- Không dán nhãn đối tượng: nhìn thấy một vật, cảnh hay người, chỉ thầm nhận biết, mà không xét đoán phê bình gì thêm.
Trên đây là những cách thực tập ban đầu, được nhắc nhở phải thường xuyên kinh nghiệm trong sinh hoạt hàng ngày để cho tâm yên lặng từ từ. Sau đó ngồi yên lại trong tư thế bán già và thực hành pháp Thở. Nếu ta tiến từ từ theo những bước trên thì tới đây việc tập Thở sẽ rất nhẹ nhàng đơn giản. Có thể chỉ là 2 bước như sau:
1- Ngồi yên theo tư thế bán già, lưng thẳng, chỗ vắng vẻ tĩnh lặng. Kinh Phật dạy: “Đặt chánh niệm trước mặt”. Ta khởi lên cái Biết trong sạch, tĩnh lặng không lời, rồi bắt đầu quan sát hơi thở, thở vào, thở ra tự nhiên. Xem như cái Biết gá một chút ở chỗ hơi thở vào hay ra. Càng lúc hơi thở nhẹ đi.
2- Buông hơi thở, không để ý hơi thở nữa. Bắt đầu quan sát nhận thấy nhịp tim nhẹ hơn, chậm hơn, nước bọt tiết ra, đầu dường như nặng đi, giữ vững đầu thẳng, cảm nhận thân nhẹ đi, hụt hẫng rơi vút xuống, rồi tâm sáng trưng, bất động, không có gì hết, trống rỗng, tan biến tất cả…
Tạm xem như là Định, tâm tĩnh lặng, vững chắc, biết rõ ràng cái trống rỗng sáng trưng. Sau những kinh nghiệm như vậy thì biết rằng chỗ đó là chỗ khó diễn tả ra cho người khác biết, ai kinh nghiệm mới rõ thôi
Định cũng là một tiến trình của tâm, có vô số mức độ hay phẩm chất, tương tự như Giới hay Tuệ. Tham, hay Sân hay Si, đau khổ hay hạnh phúc… cũng có vô số mức độ.
Khi đã thực sự kinh nghiệm Định rồi thì có những kết quả tự nhiên sau đây:
- Sức khỏe tự nhiên hài hòa lần lần.
- Tâm an vui, nhẹ nhàng, từ bi phát sinh, tâm khách quan, bình đẳng.
- Trí tuệ sáng hơn, thông hiểu những chân lý trong cuộc đời, thông hiểu kinh điển, có thể diễn nói lưu loát kinh nghiệm của mình cho người khác.
Những kết quả trên 3 mặt: thân, tâm và trí tuệ này cũng sẽ phát huy hoài theo sức dụng công vững bền của hành giả.
Nhưng nếu ta tu tập một thời gian dài mà không đạt được kết quả rõ nét nào trên 3 mặt đó, thì ta phải xét lại sự dụng công của mình có đúng Pháp hay không? Bởi vì, chư Tổ Thiền có nhắc nhở người tu Thiền phải tránh rơi vào “nước chết” của Định, như: si định, trầm không trệ tịch, vô ký, hay vọng tưởng.
Mình có thể rơi vào những trường hợp sai mà không biết, thí dụ như:
- Những ý nghĩ hay cảm xúc khởi lên mà mình không hay biết, nên tâm vẫn là giao động, gọi là trạo cử.
- Có khi tâm kiến giải những điều mới lạ. mình lại nghĩ là vọng tưởng, cứ tắt đi, nên tu hoài không thấy trí tuệ hiểu biết gì mới lạ.
- Nếu quên chủ đề thì dễ có suy nghĩ, tưởng nhớ quá khứ, tương lai hay dính mắc vào chuyện khác.
- Trái lại, nếu cứ khư khư ôm chặt chủ đề, thì tâm chưa thư giãn, chưa trống rỗng, làm sao kho báu tung lên kiến giải điều gì?
Khó thiệt, vậy làm sao đây? Các bạn ơi, con đường tu không khó, mà khó là vì ta chưa đủ kiên nhẫn thôi. Không có tu tắt, hay tu ngang, nghĩa là không có một bước mà muốn vào Định ngay, không cần Giới, không cần Quán, hay không cần Tuệ.
Giới, Quán, Tuệ, Định là một. Tất cả hợp lại là phẩm chất hoàn hảo của chân tâm. Nếu mình thích tu Định, dĩ nhiên là được, nhưng vẫn phải giữ đúng giới hạnh trong sạch, lục hòa (Giới), thông hiểu những sự thật chi phối thế gian (Quán), quan sát thế gian khách quan, vô ngã (Tuệ), thì kết quả tự nhiên là đời sống của mình êm đẹp hài hòa, không dính mắc với ai, không lăng xăng hối hận, sức khỏe cũng hài hòa, tâm tự nhiên là tĩnh lặng, trong sáng, khách quan. Đó là Định, tâm vững chắc, không lay động cuốn hút theo gió đời. Định này không nhập nên không xuất, vì tâm Định chỉ là bản tâm của chính mình, nó là pháp vô vi. Còn pháp hữu vi, phải nương tựa chủ đề, phải tập đúng giờ, phải làm theo bước 1, bước 2, bước 3, có nhập nên có xuất, có khi tốt có khi không tốt.
Vài dòng chia sẻ chút ít kinh nghiệm thô sơ, chỉ mong là không sai Pháp.
Thiền viện, 11- 9- 2023
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 40
TỪ CỔNG ĐỊNH