HỘI THIỀN TÁNH KHÔNG TRUNG ƯƠNG

Thích Thông Triệt: Luận giảng số 2: Vì sao chúng tôi chọn chủ đề: LUẬN GIẢNG VẤN ĐÁP THIỀN VÀ KIẾN THỨC THỜI ĐẠI ?

29 Tháng Ba 20247:35 SA(Xem: 404)

Trích từ sách Luận Giảng Vấn Đáp về
THIỀN và KIẾN THỨC THỜI ĐẠI
của HT Thích Thông Triệt (2014)
Luận giảng
số 2
Vì sao chúng tôi chọn chủ đề:
LUẬN GIẢNG VẤN ĐÁP THIỀN VÀ KIẾN THỨC THỜI ĐẠI
?


Bia Sách2_ThienVaKienThucThoiDai_TueNguyen for WEB 4x6
Lý do thứ nhứt:
- Đánh dấu một kỷ nguyên mới: Thiền học Đông Phương chiếu sáng trong giới khoa học Tây phương
Kể từ khi ngộ đạo trong tù (1982), chúng tôi cảm thấy trong tâm mình lúc nào cũng khởi lên một niềm vui, không còn lo nghĩ gì về chuyện được trả tự do. Chấp nhận trả quả. Khi nào hết nghiệp tù thì mình được trả tự do, còn bây giờ nghiệp tù chưa dứt, thì cứ ở đây để trả quả thôi !
Bỗng một hôm, chúng tôi được Cán bộ Quản giáo cho biết là mình được lệnh chuyển trại… Sau đó, ông Cán bộ Quản giáo đưa tôi đến một nơi cũng cùng trong trại giam Thanh Liệt để chờ xe đưa về trại Tập trung Hà Tây. Khi đến nơi đó, chúng tôi thấy những người bạn tù mặt mày hốc hác, thân hình tiều tụy. Có những người chúng tôi biết trước kia, nhưng vào thời điểm đó, chúng tôi không nhận ra ai là ai. Ông Cán bộ Quản giáo chỉ chúng tôi, rồi nói:
- Trong các anh ở đây, anh này ở đây lâu nhất, mà sao trông gương mặt của anh trong sáng, hồng hào ?
Nghe câu nói như thế, chúng tôi tự sách tấn mình là: tu đúng rồi đó ! Nhưng đúng như thế nào, chúng tôi chưa trả lời được… Chỉ vì khi chúng tôi nhớ lại một câu nói của một người bạn tù khi chúng tôi ở trại B-5 tại Long Thành, vào một buổi sáng khi đi vệ sinh, một bạn tù hỏi tôi: “Trông Thầy hãy còn trẻ, nhưng năm nay Thầy được 80 chưa ?” Nghe câu hỏi như thế, chúng tôi mĩm cười gượng gạo đáp lại: “Chưa !” Lúc bấy giờ chúng tôi mới hơn ngoài 40 tuổi và ở tù được gần 2 năm thôi…
Rồi bây giờ 5 năm sau, được ông Cán bộ Quản giáo nói là mình trẻ và hồng hào. Qua dữ kiện đó, chúng tôi biết là mình đã tu đúng rồi.
Khi về trại Hà Tây (đây là trại tập trung), chúng tôi gặp lại bạn bè và có đầy đủ gương để soi lại mặt mình, thì thấy thần sắc mình trong sáng. Có nhiều anh bạn trước kia đến thăm tôi và nói một câu: “Bây giờ tôi biết Thầy tu đúng rồi đó nha !” Thế rồi, chúng tôi tự mình đặt câu hỏi: “Vậy sự đúng đó là từ nơi đâu ?” Cũng là thân này, nhưng trước đây lại già trước tuổi, và chỉ trong vòng 5 năm sau, cũng thân này mà lại trông trẻ và hồng hào.
Bắt đầu từ đó, chúng tôi tự đặt vấn đề sự đúng đó nó ở trong não bộ mình thôi. Nó có chất gì đó tiết ra để làm cho mình khỏe, mình vui tươi, và thần sắc trong sáng. Còn trước kia mình bị già đi, thì cũng có chất nước hóa học nào đó tiết ra, nó làm cho mình già trước tuổi.
Kể từ đó, chúng tôi khởi một ý nghĩ là sau này nếu được tự do, chúng tôi sẽ tìm hiểu về khoa học não bộ để hiểu rõ hoạt động của não bộ như thế nào khi mình ngộ đạo, cũng như khi mình dụng công bị bế tắc thì chất nước hóa học nào tiết ra đây.
Tiếp theo, chúng tôi được đưa về trại giam ở Hà Tây, miền Bắc Việt Nam… Đến tháng 3 năm 1985, chúng tôi được chuyển trại một mình đi về miền Nam, và tiếp tục nhập thất chuyên tu bất đắc dĩ tại trại giam đặc biệt ở đường Trần Bình Trọng thuộc quận 5, Sài Gòn. Đến tháng 9 năm 1986, chúng tôi được đưa vào trại giam Chí Hòa cho đến tháng 2 năm 1989, chúng tôi được trả tự do.
Về Thiền viện Thường Chiếu, gặp lại Thầy của chúng tôiHòa Thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ trong ngày Tết. Thầy trò gặp nhau mừng mừng tủi tủi… Chúng tôi có trình lên Thầy về những điều mình đã nhận ra được trong suốt 14 năm tù.
Trong đó, chúng tôi có trình lên về sự phát tâm của mình: “Sau này, nếu đủ duyên, con sẽ trình bày lại pháp của Thầy dưới dạng khoa học đối chiếu với não bộ, vì con đã nhận ra rằng cũng với thân này mà tại sao trước đó con như người già 80 tuổi, trong người lại có nhiều bệnh, đặc biệt nhất là thần sắc không trong sáng, còn cơ thể thì tiều tụy. Rồi bây giờ cũng thân này, tại sao nó trẻ đi, thần sắc lại trong sáng nữa. Do đó, con nghĩ rằng có điều gì đó hoạt động trong não bộ của con người, chính sự hoạt động đó nó đã đưa con người đến chuyển hóa thân tâm của mình.” Thầy của chúng tôi đồng ý.
Đến đầu năm 1991, Thầy chúng tôibiên soạn quyển sách Thiền lấy tên là “Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20.” Ông đưa cho chúng tôi xem để cho ý kiến… Sau khi xem xong cuốn sách, chúng tôi trở lại Thường Chiếu gặp Thầy để trình ý kiến như sau: “Xin Thầy cho con diễn giải pháp Thiền của Thầy dưới dạng Đồ thị dẫn giải bằng cách trình bày theo khoa học.” Thầy chúng tôi đã đồng ý. Thế là ngày ngày chúng tôi ở tại thất riêng của thầy Nhật Quang, trụ trì Thường Chiếu, để giảng giải pháp Thiền của Thầy chúng tôi qua hình ảnh não bộ. Ngày 10 tháng 10 năm 1992, chúng tôi hoàn tất bộ sách “Đồ Thị Dẫn Giải Thiền.”

Cuối năm 1992 (ngày 24-11-1992), trước ngày chúng tôi lên đường sang Mỹ để định cư, Thầy của chúng tôi triệu tập một phiên họp tại thất riêng của Thầy ở Thiền viện Thường Chiếu. Mục đích chính của phiên họp này là trước chư Tăng của Thường Chiếu, Thầy của chúng tôi muốn hợp thức hóa pháp Thiền của Thầy mà chúng tôi đã dẫn giải bằng khoa học não bộ qua bộ sách “Đồ Thị Dẫn Giải Thiền” bằng lời chứng minh dưới đây:
“Tập Đồ Thị do Thông Triệt biên soạn, dẫn giải các pháp Thiền do tôi dạy, ghi trong cuốn “Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ hai mươi” là thuộc về luận. Mà luận thì phải luôn luôn thích hợp với tư tưởng hay nhận thức của thời đại. Thời đại của chúng tathời đại khoa học thực nghiệm, cho nên ngôn từhình ảnh mà Thông Triệt tạm dùng để đối chiếu hay giải thích các pháp do tôi giảng dạy cũng phải thích hợp với trào lưu tiến hóa của thời đại, để thành phần trí thức dễ tiếp thu hơn. Đó là điều hợp lý.”
Sau khi đặt chân lên đất Mỹ cuối năm 1992, mãi đến năm 1995, chúng tôi mới thực hiện được ước mơấn hành bộ sách “Đồ Thị Dẫn Giải Thiền” gồm 2 tập.
Đây là bước đầu tiên chúng tôi đã đưa Thiền Tông Việt Nam vào thế giới khoa học của Tây phương.

Lý do thứ hai:
- Ước mơ được chụp hình não bộ để chứng minh các vùng trong não bộ phù hợp với lời dạy của Đức Phật
Đến Mỹ cuối năm 1992, đầu tiên chúng tôi ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Đến khoảng giữa năm 1993, chúng tôi sang tiểu bang Hawaii để thăm một người bạn. Rồi qua một nhân duyên đặc biệt, người đón chúng tôi tại phi trường Hawaii là cô Helen Phan Thanh cùng với ông xã tên là David Johnson, một Giáo sư Tiến sĩ ngành Tâm lý học tại trường Đại học Hawaii. Sỡ dĩ chúng tôi nói “nhân duyên đặc biệt,” đó là khi đón chúng tôi tại phi trường, thay vì dùng câu nói xã giao để tiếp đón chúng tôi, thì cô lại đưa ra một tập giấy lớn “Đồ Thị Dẫn Giải Thiền” mà chúng tôi vừa mới hoàn thành tại Việt Nam để trình lên Thầy của chúng tôi, trước khi chúng tôi sang Mỹ. Thật hết sức bất ngờ khi nhìn thấy tập này… Thế là sau đó chúng tôi thân thiện với gia đình ông bà Johnson.
Trong thời gian lưu lại tại Hawaii, ông Johnson đã đưa chúng tôi vào thăm trường Đại học Hawaii. Nơi đây, chúng tôi đã tìm được một cuốn sách nói về những chức năng đặc biệt của vùng Dưới đồi (Hypothalamus). Sách dày trên 800 trang, chúng tôi liền nhờ ông Johnson mượn quyển sách này …
Trước khi từ giã hai ông bà để trở về đất liền, chúng tôi lại được một món quà đặc biệt là hai ông bà hứa sẽ tặng cho chúng tôi một ngôi nhà ở tiểu bang Oregon để chúng tôi tạm yên nơi.

Chính ngôi nhà này là nơi chúng tôi đã tiếp đón Thầy của chúng tôi vào tháng 10 năm 1994. Thầy của chúng tôi đã chính thức làm lễ chứng minh Thiền Thất Tánh Không do chúng tôi thành lập đầu tiên tại tiểu bang Oregon. Rồi tiếp theo sau đó, vào ngày 1 tháng 1, năm 1995, chúng tôi đã mở khóa Thiền Căn Bản đầu tiên tại nơi đây.
Ngay từ thời gian đầu ở tại Seattle (năm 1993), chúng tôi đã có dịp đọc tạp chí Scientific American, trong đó các nhà khoa học thần kinh não bộ đã chụp hình được 4 vùng trong não bộ: (1) tánh Thấy, (2) tánh Nghe, (3) vùng Giải mã khái niệm là vùng Broca, (4) vùng Nói thầm ngay tại vùng Ý chí vận động; hình chụp bằng máy PET (Positron Emission Tomography). Xem qua tin này, chúng tôi ước mơ rằng mình sẽ có điều kiện thuận lợi để chụp hình 2 tánh là: Tánh Xúc chạm và Tánh Nhận thức biết, để cho trọn vẹn đủ 4 Tánh mà Đức Phật đã mô tả trong kinh Bāhiya.
Giữa năm 1994, nhân dịp khi ông Johnson qua Seattle để đưa chúng tôi về Oregon để làm thủ tục bàn giao căn nhà, chúng tôi có đề cập với ông là có cách gì giúp chúng tôi liên lạc với tạp chí Scientific American để chụp hình não bộ của chúng tôi… Ông lắc đầu và cho biết rằng việc này rất khó thực hiện vì nó rất tốn kém; hơn nữa, vào thời điểm đó, khoa học Mỹ chưa chứng minh được hai vùng: Tánh Xúc chạm và Tánh Nhận thức biết.
Không chán nản, chúng tôi vẫn nuôi dưỡng ước mơ đó và tin tưởng rằng một ngày nào đó mình sẽ thành tựu được ước mơ này, với điều kiện là mình phải có khả năng vào Định dễ dàng như búng ngón tay…
Lặng lẽ nuôi dưỡng hy vọng
Thế rồi, chúng tôi không nghĩ gì đến điều đó nữa, mà chỉ đặt trọng tâm vào việc thực hành Thiền Định bằng cách khởi ý không nói cho đến một ngày nào đó vững vàng trong 4 tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi. Khi nào muốn khởi niệm thì khởi, không muốn khởi niệm thì niệm đó nằm im ngay tại vùng biết của cơ chế Tánh giác, hay ngay tại vùng nhận thức biết của cơ chế Phật tánh tức Tâm như… thì lúc đó ước mơ chụp hình não bộ sẽ được thành tựu.
Mãi đến 12 năm sau, nhân duyên hội đủ, vào năm 2006 khi sang Đức quốc dạy học, ước mơ chụp hình não bộ của chúng tôi đã bắt đầu trở thành sự thật. Đây là nhờ sự kiên tâmtrì chí của cặp vợ chồng trẻ bác sĩ Phạm Ngọc Thịnh và bác sĩ Phạm Văn Phú đã đi gõ cửa những nơi chuyên môn chụp hình não bộ, nhưng đều bị thất bại. Cuối cùng, nhân duyên hội đủ, cô Thịnh gõ cửa đúng nơi, cửa liền mở ra.

Đó là nhờ cô bác sĩ Thịnh đã tiếp xúc được với ông Tiến sĩ Michael Erb và ông đồng ý bắt đầu chương trình thử nghiệm máy f-MRI với 2 thiền sinh tại đạo tràng Stuttgart là cô Minh Vân và anh Quang Nguyên vào tháng 4-2006. Tiếp theo sau đó, tháng 6-2007, chương trình chụp hình của chúng tôiTăng đoàn đã chính thức bắt đầu.
Rồi liên tiếp các năm sau đó (2008, 2009, 2010), chỉ một mình chúng tôi chụp hình não bộ. Cuối cùng, chúng tôi đã thực hiện được ước mơ chứng minh 4 Tánh mà trong kinh Bāhiya đức Phật đã giảng dạy ông Bāhiya. (Xem Bài đọc thêm số 1 ở trang 27 về Kinh Bāhiya)
Bốn Tánh này là: Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Xúc chạm, và Tánh Nhận thức biết. Đặc biệt nhất là chúng tôi cũng chứng minh được vùng Tầm và Tứ ở thùy trán.
Vào đầu năm 2010, Tiến sĩ Erb chụp hình chúng tôi khi thực hành 4 tiến trình Định:
 Định có Tầm có Tứ.
Định không Tầm không Tứ.
 Định Chánh niệm tỉnh giác.
Chân như Định, hay còn gọi là Định bất động (Akuppā Samādhi).
Qua sự thành công này, hai Tiến sĩ Michael Erb và Ranganatha Sitaram đã trưng bày kết quả về chụp hình não bộ của chúng tôi tại Hội nghị thứ 16 về Não bộ trong chương trình “Organization of Human Brain Mapping” (OHBM) được tổ chức tại Barcelona, Tây Ban Nha, từ ngày 6 đến 10 tháng 6 năm 2010. Năm sau, cũng vào tháng 6 năm 2011, công trình nghiên cứu này lại một lần nữa được trưng bày tại hội nghi OHBM lần thứ 17 tổ chức tại Quebec, Canada.
Đến đây, xem như ước mơ “chụp hình não bộ để chứng minh các vùng trong não bộ phù hợp với lời dạy của Đức Phật” đã trở thành sự thật.

Lý do thứ ba:
- Đã đến lúc…
Chúng tôi nghĩ rằng bây giờ đã đến lúc mình cần công bố những điều mình đã chụp hình được về não bộ của mình liên hệ đến các vùng mà trong kinh Đức Phật đã giảng, thí dụ: các vùng Vọng Tâm, Vọng Tưởng đã xảy ra như thế nào trong não bộ của con người. Và chúng đã xuất hiện như thế nào, lý thú nhất là trong khi đo não bộ năm 2008, chúng tôi đã áp dụng “Chú ý trống rỗng” để xem coi Tánh Xúc chạm hiện lên như thế nào qua sự dùng bản chải cào cánh tay của chúng tôi.
LUAN 2 A
Không ngờ kết quả lại đưa đến là: thay vì nó chỉ hiện ra Tánh Xúc chạm, nhưng ngược lại 4 Tánh cùng hiện lên trong một lúc, đó là:
1. Tánh Xúc chạm
2. Tánh Nghe
3. Tánh Thấy
4. Tánh Nhận Thức.
LUAN 2
Nhân duyên tham dự Hội Nghị Não Bộ vào tháng 6 năm 2010 tại Barcelona
Vào tháng 12 năm 2009, chúng tôi đã liên lạc với thiền sinh Quang Chiếu tại Đạo Tràng Tánh Không Stuttgart, Đức quốc, để yêu cầu ông Dr. Erb cho chúng tôi chụp hình não bộ vào đầu năm 2010 thay vì chụp hình vào tháng 6 năm 2010 theo chương trình đã qui định. Cuối cùng chúng tôi được ông Dr. Erb chấp thuận chụp hình vào đầu năm 2010. Từ 8 giờ sáng ngày 3 tháng Giêng năm 2010, chúng tôi và Quang Chiếu cùng với Tuệ Giác và cô Triệt Huệ đã có mặt tại phòng chụp hình não bộ. Đây là lần chụp hình dài nhất. Đến 3 giờ chiều, ông Dr. Erb mời chúng tôi vào phòng làm việc của ông và nói với chúng tôi rằng kỳ chụp hình não bộ này rất tốt, sau đó ông hỏi chúng tôi: “Thầy có muốn đưa hình não bộ của Thầy đi tham dự Hội Nghị Não Bộ vào tháng 6 năm nay tại Barcelona không ?” Với câu hỏi bất ngờ đó, chúng tôi nghe xong, liền có một số câu kiến giải ngay, chúng tôi liền trả lời ngay tức khắc với ông bằng một thái độ ôn tồn, tỏ vẻ như mình đã biết trước những chuyện đó rồi. Chúng tôi gật đầu đáp: “Vâng. Muốn chớ ! Yes. I want to !”
Thế là tháng 6 năm đó, lần đầu tiên một “ông Tăng nông dân” đi dự Hội Nghị Não Bộ quốc tế lần thứ 16 tại Barcelona, Tây Ban Nha.

Quay về quá khứ
Còn nhớ những năm dạy thiền sinh từ lớp Căn Bản đến những lớp Bát Nhã, chúng tôi đã vẽ đồ hình trình bày về hoạt động của não bộ qua 4 tánh: Tánh Thấy ngay tại thùy chẩm, Tánh Nghe ngay tại thùy thái dương, Tánh Xúc chạm ngay tại thùy đỉnh, và Tánh Nhận thức biết nằm giữa ngay tại thùy đỉnh. Trong đó có một cô thiền sinh hỏi rằng: “Thầy có chắc chắn là vùng đó là vùng Nhận thức biết không ? Vì ở đây ‘nói có sách mách có chứng,’ tức là giảng điều gì phải có bằng chứng xác thực mới được, chớ giảng như Thầy và vẽ như vậy, ai đâu mà tin.” Hơn nữa, khi mô tả về huệ lực, chúng tôi vẽ gạch ngang một đường thẳng, tượng trưng mặt ngoài của vỏ não, dưới đường thẳng chúng tôi vẽ nhiều hình mũi tên tượng trưng cho huệ lực bật lên. Lúc đó chúng tôi muốn mô tả huệ lực nằm ngay dưới đáy của Tánh Nhận thức biết. Bằng cách thực hành kích thích Tánh Nhận thức biết, thì huệ lực sẽ từ từ phát huy. Khi giảng tới đây, có một thiền sinhbác sĩ y khoa nói: “Thầy ơi, ở đây tụi con cũng là người trí thức, Thầy giảng vậy làm sao tin được !” Lúc đó có một vị bác sĩ khác nói: “Thôi, anh đừng hỏi Thầy vô chỗ kẹt, làm sao Thầy chứng minh được. Mình nghe Thầy giảng như vậy, mình hiểu là được rồi.” Nghe xong, chúng tôi liền nói: “Cám ơn bác sĩ đã lưu ý chúng tôi điểm này, sắp tới đây trong chương trình Ra mắt sách tại San Jose, xin mời bác sĩ đến tham dự, chúng tôi sẽ trình bày những bằng chứng mà chúng tôi đã âm thầm làm việc trong nhiều năm qua với Tiến sĩ Michael Erb tại trường Đại học Tuebingen.”
Đến năm 2008, trong kỳ Ra Mắt Sách “Thiền Dưới Ánh Sáng Khoa Học,” chúng tôi đã công bố vùng Precuneus nằm ngay tại vỏ não của Thùy đỉnh, thật sự là nguồn của huệ lực.
HÌNH VÙNG PHẬT TÁNH (PRECUNEUS) NẰM BÊN TRONG GIỮA NÃO NGAY
TẠI THÙY ĐỈNH HIỆN LÊN, KHI THẦY ÁP DỤNG KỸ THUẬT TỈNH THỨC BIẾT

Lý do thứ tư:
- Muốn mượn khoa học về thần kinh (Neuroscience) để chỉ bày tác dụng của Thiền đối với thân, tâm, và trí tuệ tâm linh của con người thật sự diễn tiến như thế nào khi ta thực hành đúng pháp. Ngược lại, khi ta thực hành sai pháp thì đưa đến gì cho thân tâmtrí tuệ tâm linh của ta.
Hỏi: - Thực hành đúng pháp là sao ? Kết quả như thế nào ?
Đáp: - Dù chúng ta dụng công kỹ thuật nào, cũng sử dụng cái Biết không lời, tín hiệu sẽ truyền vào Dưới Đồi, đến Đối giao cảm thần kinh, từ đò tiết ra chất sinh hóa học Acetylcholine, sau đó tác động dây chuyền đến hệ thống tuyến nội tiết và nội tạng. Như thế kết quả là thân hài hòa, tâm hài hòa và trí tuệ tâm linh sẽ từ lần triển khai.

Hỏi: - Còn thực hành sai pháp là sao ? Và kết quả như thế nào ?
Đáp: - Khi chúng ta nỗ lực, hay khi tập trung chú ý vào 1 đối tượng, hay tưởng tượng, hoặc tự kỷ ám thị, tức là ta sử dụng vùng biết có lời thuộc tiền trán, lúc đó tín hiệu sẽ tác động Giao cảm thần kinh, đầu dây Giao cảm tiết ra Norepinephrine, kết quả là thân bệnh tâm thể, tâm bất an và trí đó là trí thế gian mà thôi.

Lý do thứ năm:
- Muốn mượn khoa học để đối chiếu lời dạy của đức Thế Tôn, dù cho đã trải qua hơn 25 thế kỷ, nay vẫn còn có giá trị, nhất là trong những quốc gia tiến bộ về khoa học và kỹ thuật.

Hỏi: - Xin giải thích lý do này ?
Đáp: - Đối với những người có đầu óc khoa học, chúng ta cần giải thích rõ ràng, cần chứng minh cụ thể, với những hình ảnh, thiết bị tân tiến, thì họ mới tiếp thu dễ dàng.

Hỏi: - Xin Thầy giải thích cụ thể về Pháp nào trong Phật Giáođến nay vẫn còn có giá trị ?
Đáp: - Thí dụ như những Pháp mà Đức Phật đã chứng ngộ như phápDuyên Khởi, Pháp Duyên Sinh. Trong đó Ngài trình bày một trật tự về những diễn tiến của hiện tượng thế gian. Chúng tương tác lẫn nhau mà hình thành hay chấm dứt, trong đó không có bàn tay của thần linh hay đấng tạo hóa nào bố trí hay sắp xếp. Ngoài ra, 3 đặc điểm của hiện tượng thế gian là: vô thường, khổ hay xung đột, vô ngã hay không thực chất tính cũng là những qui luật mà Đức Phật đã chứng ngộđến nay vẫn còn giá trị.

Hỏi: - Xin Thầy giải thích “chứng ngộ” là gỉ ?
Đáp: - Chứng ngộ (enlightenment) là sự kiến giải từ vùng Tâm Tathā, hay từ Phật tánh, hoặc vùng Precuneus, về những điều gì mới lạ chưa được ai công bố. Nó không phải do nơi sự kiến giải của vùng ý thức, ý căntrí năng. Mà cũng không phải do sự kiến giải của vùng 3 tánh: thấy, nghe và xúc chạm của tánh giác. Do đó, những điều chứng ngộ này là những chân lý mãi mãi thích hợp với mọi thời đại và mọi không gian.

Hỏi: - Thưa Thầy, Phật pháp có phải là một triết lý không ?
Đáp: - Thông thường người ta cho rằng sự chứng ngộDuyên khởiPháp Duyên sinh của Đức Phật là một triết lý . Rồi nhiều nhà luận giải về Phật pháp xoáy trọng tâm về quan điểm triết học, để nâng cao giá trị của Lý Duyên khởi - Pháp Duyên sinh thành một triết học. Như trước đây hơn nửa thế kỷ, ông Hồ Thích, (một nhà Phật học nổi danh tại Trung Hoa lục địa vào thời Tưởng Giới Thạch) cùng với ông Suzuki (một nhà Thiền học Nhật bản sinh sống tại Anh quốc) đã tranh luận với nhau chung quanh đề tài: “Lý Duyên Khởi- Pháp Duyên sinh là một triết học.” Đó là theo quan điểm của ông Hồ Thích. Ông Suzuki thì cho rằng sự chứng ngộ của Đức Phật không phải là một triết học.
Thực ra, triết học đặt trên nền tảng của tư duy biện luận của vùng ý thức, ý căntrí năng. Cho nên giá trị của triết học chỉ thích hợp trong một thời gian hay một không gian giới hạn, nó không tồn tại mãi mãi. Thí dụ những quan điểm của các triết gia: Socrates, Aristotle, Plato, Khổng Tử, hay Karl Marx chỉ có giá trị trong một thời gian nào đó, vì nó chỉ là sản phẩm của cái Ta. Trong lúc đó, sự chứng ngộ xảy ra qua quá trình đột biến của phản xạ thụ động (passive reflex) từ vùng Phật tánh (hay vùng Precuneus). Nơi đó không có thông qua một mảy may suy nghĩ, biện luận, hay phân biệt.

Tóm lại, đây là 5 lý do tạo ra luận này.
Mong rằng tập sách “Luận Giảng Vấn Đáp Về Thiền Và Kiến Thức Thời Đại” sẽ giúp ích được phần nào quí vị muốn hiểu Thiền Phật Giáo và muốn thực hành để kinh nghiệm những sự chuyển đổi tâm tánh, cân bằng thân - tâm và phát huy trí huệ tâm linh của chính mình.


BÀI ĐỌC THÊM
Lời mở đầu. - Để hỗ trợ việc tiếp thu kiến thức Thiền học, Phật học, Kỹ thuật thực hành, và Khoa học có liên hệ đến sự thực hành Thiền, ngoài những bài giảng chính, chúng tôi soạn thêm một số bài giảng phụ, gọi là Bài Đọc Thêm. Nội dung Bài Đọc Thêm gồm nhiều chủ đề, kể cả thuật ngữ, liên hệ đến Kiến thức Thiền học, Phật học, Kỹ thuật thực hành, và Khoa học, mà trọng tâm là bổ sung ý nghĩa của bài giảng chính. Trong những giờ rổi rảnh, quí vị có thể đọc thêm những bài đó để tăng cường kiến thức thiền họctrợ duyên việc thực hành thầm lặng của chính quí vị mỗi khi quí vị thực sự có điều kiện thực hành.
Theo phương pháp hồi đáp (feedback method), kiến thức Thiền học, Phật học, Kỹ thuật thực hành, và Khoa học là 4 phương tiện cần thiết cho mỗi giai đoạn tu tập của thiền sinh sơ cơ hay trung cấp. Nó được xem như phương tiện thiết thựchiện đại của nhà du hành tâm linh ở ngưỡng cửa thế kỷ 21.
Mong những bài đọc thêm này giúp ích quí vị mới bắt đầu dấn thân vào đường Thiền nắm rõ trọng tâm và trọng điểm cách học và hành thiền theo phương pháp hồi đáp, ngõ hầu vững tin hơn vào cuộc hành trình “về nhà thầm lặng” của riêng mình mà không sợ bị lạc lối.


Bài đọc thêm
số 1
KINH BĀHIYA
Kinh Bāhiya là bài kinh Phật dạy liên hệ đến những chức năng bên trong cơ chế tánh giác gồm tánh thấy, tánh nghe, tánh xúc chạm và nhận thức không lời. Đây là bài kinh được chúng tôi rút ra từ trong kinh Phật Tự Thuyết, Chương 1 Phẩm Bồ Đề, thuộc Tiểu Bộ Kinh của kinh tạng Pāli, thuộc hệ kinh Nguyên Thủy.
Bài kinh này nói lên trường hợp triệt ngộ tức khắc của ông Bāhiya qua sự lắng nghe Phật giảng với điều kiện tâm của ông Bāhiya có mang một mối nghi lớn là làm sao để đạt được hạnh phúc an lạc lâu dài. Sau khi nghe Phật giảng, ông đã thấu đáo tức khắc điều đó và đắc quả A la hán.
Sơ lược tiểu sử ông Bāhiya
Ông Bāhiya là vị A la hán vào thời Phật Thích Ca Gotama. Ông mang tên này vì ông sinh trưởng tại ngôi làng tên Bāhiya ở Bhārukaccha. Ông cũng được người đời gọi là Dārucīriya vì trước khi đắc quả A la hán, ông đã mặc áo làm bằng vỏ cây. Dāru = cây; cīriya = vỏ cây. Dārucīriya = Người mặc vỏ cây.
Khi còn là người chưa tu, ông là một thương nhân. Ông đi buôn bằng thuyền. Ông đã 7 lần vượt sông Indus băng qua biển để đi buôn. Trong 7 lần đều thành công cả 7. Đến lần thứ 8, trong khi đi đến thương cảng ở Suvaṇṇabhūmi, tàu ông bị đắm chìm giữa biển. Hàng hóa và của cải vàng bạc của ông đều chìm mất hết. Tất cả thương nhân trên tàu đều chết. May mắn cho ông là ông ôm được tấm ván. Sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển, chiến đấu với tử thần, ông đã tấp vào bờ biển Suppāraka với tấm ván. Khi đến bờ, ông không còn quần áo để che thân. Ông nhặt nhánh cây nhỏ và vỏ cây kết lại thành khố để che thân. Sau đó ông lên bờ và đi khất thực. Dân vùng biển Suppāraka thấy ông ăn mặc vỏ cây nên gọi ông là “người mặc vỏ cây” (Dārucīriya). Hiểu được hoàn cảnh của ông là người vừa thoát chết sau chuyến tàu chìm, dân chúng kẻ ít người nhiều, tùy theo phương tiện của mình đã cúng dường thức ăn, thức uống cho ông với sự tôn kính. Thấy ông không áo quần, dân vùng biển cúng dường áo quần và nhiều vật dụng đáng giá khác, nhưng ông từ chối. Ông chỉ nhận đủ số cần dùng. Nhờ vậy uy tín của ông càng lên cao. Ít lâu sau đó, dân vùng biển nghĩ rằng ông là một vị A la hán. Sau cùng, chính ông cũng cho rằng ông là vị A la hán hay là người đang đi trên đường A la hán.
Lúc bấy giờ có một thiên nhân (devatā), trước kia là bà con ruột thịt với ông Bāhiya, trong một đêm khuya, thiên nhân này hiện ra và nói cho Bāhiya biết rằng, ông không phải là A la hán, cũng không phải là người đang đi trên đường A la hán. Nếu muốn đi trên con đường A la hántrở thành vị A la hán, thiên nhân này cho biết là ông nên mau mau đến Kỳ viên Tinh XáXá Vệ (Sāvatthi) để gặp ngay đức Phật. Phật sẽ giảng cho ông biết làm thế nào để đi trên đường A la hán, làm thế nào để có lợi lạc cho chính ông trên đường tâm linh.
Nghe vậy, ông Bāhiya liền quyết tâm đi đến Xá Vệ (Sāvatthi) ngay. Mặc dù bờ biển Suppāraka cách xa Xá Vệ khoảng 120 do tuần (1 do tuần (yojana = leagues) bằng 4 km. 120 x 4km = 480 km), với quyết tâm mãnh liệt, ông Bāhiya đi suốt đêm. Ông hy vọng gặp Phật để chính tai ông nghe Phật giảng cách làm sao để đạt được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Sáng sớm hôm sau ông đã đến Kỳ viên Tinh xá. Ông rất đổi vui mừng, tin tưởng sẽ gặp đức Phật để thưa hỏi. Nhưng ông được cho biếtđức Phật đã đi khất thực rồi. Với tâm trạng nôn nóng, ông liền bươn bả đi nhanh theo hướng đức Phật đang đi khất thực. Ông mong rằng khi gặp Phật, ông sẽ nghe Phật chỉ dạy cách tu. Khi thấy Phật đang chậm rãi đi, ông liền nhanh chân bước đến trước mặt Phật, quì xuống giữa đường, đảnh lễ sát dưới chân Phật, rồi ôn tồn thỉnh cầu Phật dạy pháp để ông được giải thoát.
Ông chắp tay thành tâm bạch:
- Bạch Thế Tôn, cầu xin Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Đức Phật chậm rãi đáp:
- Không phải thời, này Bāhiya, ta đang đi khất thực.
Ông Bāhiya tiếp tục cầu xin nữa.
- Thật khó biết, bạch Thế Tôn, là chướng ngại cho mạng sống của Thế Tôn hay chướng ngại cho mạng sống của con. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Lần thứ hai đức Phật cũng từ chối. Đức Phật cho biết là không phải thời để đức Phật giảng. Không chán nản, ông Bāhiya khẩn cầu lần thứ ba:
- Thật khó biết, bạch Thế Tôn, là chướng ngại cho mạng sống của Thế Tôn hay chướng ngại cho mạng sống của con. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Nhìn thái độ thành khẩn và lòng nhiệt tâm cầu pháp của Bāhiya, thấy đã đến lúc cần nói bài pháp thích hợp với tâm trạng đang mong đợi chờ nghe của ông Bāhiya, đức Phật liền chậm rãi nói những lời ngắn gọn. Ông Bāhiya chắp tay quì chú tâm lắng nghe lời Phật. Phật nói:
- Vậy này Bāhiya, ông cần phải học tập như sau: “Trong cái thấy, chỉ là cái thấy; trong cái nghe, chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri.” Như vậy, này Bāhiya, ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bāhiya, nếu với ông, trong cái thấy, chỉ là cái thấy; trong cái nghe, chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bāhiya, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bāhiya, ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.
Kinh ghi tiếp: - Nhờ lời thuyết pháp tóm tắt này của Thế Tôn, tâm của Bāhiya Dārucīriya được giải thoát khỏi các lậu hoặc.
(Giải thích: - Tức là khi nghe Phật giảng xong, ông đã đắc quả A la hán. Đây là ông đã tức khắc nhận thức thấu đáo Chân lý. Trong Pāli gọi trạng thái này là “khippābhiññānaṃ,” tương đương tiếng Anh là “instantly comprehended the Truth.” Nói theo thuật ngữ Thiền Tông Trung Hoa, ông đã “triệt ngộ.”)

Sau đó, đức Phật đi khất thực. Riêng ông Bāhiya từ giã Phật... Không lâu sau đó, một con bò con húc vào ông Bāhiya. Ông chết. Khi Phật đi khất thực xong, sau buổi ăn trưa, trên đường đi khất thực trở về cùng chung với nhiều Tỳ kheo, Phật thấy ông Bāhiya nằm chết. Phật liền nói với các Tỳ kheo:
- Này các Tỳ kheo, hãy lấy thân xác Bāhiya Dārucīriya đặt lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, rồi xây tháp lên trên. Này các Tỳ kheo, một vị đồng Phạm hạnh với các Thầy đã qua đời !
(Giải thích: - Đồng Phạm hạnh, tức là cùng chung hạnh sống của bậc Thánh với các vị Tỳ kheo, đệ tử của Phật.)

Kinh ghi tiếp: - Sau khi các vị Tỳ kheo làm y theo lời Phật dạy xong, các ngài đến bạch Phật, yêu cầu Phật giải thích về trường hợp của ông Bāhiya.
Trước chư tăng, đức Phật công bố:
- Này các Tỳ kheo, Hiền trí là Bāhiya Dārucīriya đã hành trì tùy pháp, đúng pháp và không có phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp. Này các Tỳ kheo, Bāhiya Dārucīriya đã nhập Niết bàn.

Những mắt xích đưa đến ngộ đạo

Giải thích:
- Trường hợp triệt ngộ (khippābhiññā) của ông Bāhiya do những điều kiện sau đây.
1. Tâm thuần
Trong những ngày sống ở bờ biển Suppāraka, tâm ông Bāhiya rất thanh tịnh. Tâm của ông không còn vướng mắc vào của cải, tài sản vật chất như trước kia ông đã say mê. Ông sống đạm bạc, biết đủ, giữ hạnh thanh tịnh như là hạnh sống của bậc Thánh. Nhờ vậy, ông được dân chúng vùng biển tôn kính như người có đầy đủ Phạm hạnh. Như vậy là tâm của ông đã thuần. Nó không còn lăng xăng dao động với các nhân duyên bên ngoài. Rồi qua đó, ông nghĩ rằng ông đã đắc quả A la hán hay là người đang tu theo con đường A la hán.
2. Khởi nghi
Nhưng một thiên nhân cho biết ông không phải là người đang đi trên đường A la hán. Thiên nhân báo cho ông biết ông nên đến Xá Vệ để gặp đức Phậtnghe lời chỉ dạy của Phật để đi đúng con đường A la hánđắc quả A la hán. Lúc bấy giờ ông mới nhận ra là những điều ông đã nghĩ về khả năng tu tập của ông là không đúng. Có người đang đi đúng Con Đường A la hán là Phật Thích Ca hiện đang ở tại Xá vệ. Ông mau đến đó để thưa hỏi.
3. Đại nghi
Sau đó ông quyết tâm đi đến Xá Vệ. Dù đoạn đường khá dài, ông chỉ đi trong 1 đêm. Trong quá trình đi suốt đêm này, tâm và trí của ông chỉ chứa một mối nghi. Đó là làm sao để được hạnh phúc an lạc lâu dài. Mối nghi này đã trở thành mối nghi lớn trong tâm ông. Ông hy vọng được giải tỏa khi gặp Phật. Đây là điểm cơ bản của ngộ đạo.
4. Vun bồi mối nghi
Đến khi gặp Phật, niềm vui đã dâng tràn lên trong tâm ông. Ông phát lên lời khẩn khoản thỉnh cầu Phật chỉ dạy. Ông cho rằng không còn kịp nữa, nếu Phật tịch hay ông tịch thì làm sao có cơ hội biết đường tu tập để được giải thoát. Như ông nói: “Thật khó biết, bạch Thế Tôn, là chướng ngại cho mạng sống của Thế Tôn hay chướng ngại cho mạng sống của con.” Tuy nhiên, dù khẩn khoản thỉnh cầu, hai lần thưa thỉnh, Phật đều từ chối. Đây cũng là 1 tác nhân đặc biệt thử thách tâm ông. Không chán nản, lần thứ ba, ông thỉnh cầu nữa.
5. Hợp thời tiết nhân duyên
Lúc bấy giờ Phật nhận ra sự thành khẩn của ông Bāhiya. Phật biết rằng ông đang mong cầu nghe lời dạy của Phật. Phật cũng biết tâm của ông đã hoàn toàn vắng lặng và đang chờ Phật rót vào tai những lời thích hợp để ông đạt được giác ngộ hay hạnh phúc an lạc lâu dài. Thấy cơ duyên đã đến lúc, Phật đồng ý giảng cho ông nghe.
Ông mừng rỡ, sẵn sàng lắng tâm nghe lời giảng ngắn gọn của Phật. Bấy giờ ông Bāhiya đã nghe bằng tánh Nhận thức Biết không lời.
6. Giải tỏa mối đại nghi
Khi nghe giảng xong, tức khắc ông ngộ đạo. Ông đắc quả A la hán...
Trước chư tăng, đức Phật công bố Bāhiya đã triệt ngộ
7. Nguyên tắc kinh nghiệm giác quan
Điểm then chốt của bài pháp ngắn gọn này là nhấn mạnh đến nguyên tắc kinh nghiệm giác quan. Đó là khi giác quan kinh nghiệm được điều gì hãy để nó kinh nghiệm mà không để tự ngã can thiệp vào. Nếu biết khai thác nguyên lý này, ta cũng sẽ có kinh nghiệm ngộ đạo.
Trong kinh, Phật dạy: Trong cái thấy, chỉ là cái thấy; trong cái nghe, chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri.
Ở đây Phật dạy tự mình phải nhận ra 4 tánh trong cơ chế tánh giác.
“Trong cái thấy, chỉ là cái thấy.” Khi tiếp xúc với đối tượng, chỉ có tánh Thấy mà thôi. Trong đó không có “cái Ta.” Nếu có “cái Ta” là cái thấy không còn là cái thấy khách quan như thực nữa. Mà là “tôi thấy.” Đó là cái thấy bị “cái Ta” can thiệp vào.
Trong cái nghe, chỉ là cái nghe. Đây là cái nghe của tánh Nghe. Trong khi nghe, chỉ biết nghe mà không suy luận về nội dung âm thanh như thế nào.
“Trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng.” Đó là trong cái xúc chạm chỉ có tánh xúc chạm mà không có diễn dịch điều gì trong đó.
“Trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri.” Đó là Phật dạy khi có nhận thức điều gì, chỉ giữ trạng thái nhận thức Biết không lời, mà không thêm nội dung gì trong đó. Đây là nhận thức trống rỗng về đối tượng.
“Do vậy, ông không là chỗ ấy.” Tức là chỗ đó không có tự ngã hay không có “cái Ta.” Vì chỗ đó chỉ là trạng thái thầm nhận biết khách quan của tánh giác nên không có “cái Ta.”
“Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.” Tức là nếu đạt được 4 trạng thái trên thì ông Bāhiya đạt được giải thoát ngay trong đời này. Điều này có nghĩa ông đã triệt ngộ nguyên lý Vô ngã nên ông đạt được Niết bàn khi còn sống, tức là đạt quả vị A la hán, sẽ không còn tái sinh trong đời sau.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười 2023(Xem: 1072)
Thầy là người đầu tiên muốn chứng minh qua sự tu tập theo lời dạy của Đức Phật: chúng ta có thể tự làm chủ tâm ngôn của mình, đồng thời lúc đó 3 Tánh thuộc cơ chế Tánh Giác sẽ hoạt động. Đây là một tư tưởng mới chưa được ai đề cập đến trong việc thực hành Thiền từ trước tới nay.
14 Tháng Sáu 2010(Xem: 3813)
Thầy Thích Thông Triệt thuyết giảng tại San Jose, Hoa Kỳ, ngày 15-3-2009.
12 Tháng Sáu 2022(Xem: 3514)
Năm 2010, Thầy Thiền chủ Thích Thông Triệt đã cho phát hành quyển sách Thiền Dưới Ánh Sáng Khoa Học. Thầy mượn thiết bị hay phương tiện Khoa học Tây phương để chứng minh lời dạy hay Pháp của Đức Phật, thật sự đã tác động vào đâu trên vỏ não, trong giữa não, trên hệ thần kinh tự quản, trong tuyến nội tiết. Người hành Thiền sẽ có kinh nghiệm như thế nào trên thân, tâm và trí tuệ tâm linh của chính mình trong khi thực hành Thiền.
05 Tháng Tư 2024(Xem: 283)
Bài Luận giảng này cho chúng ta biết rằng: điểm quan trọng bậc nhất của Thiền chỉ là làm chủ tâm ngôn. Không làm chủ được tâm ngôn, dù chỉ trong vòng vài giây đồng hồ, đường Thiền của ta sẽ đến nơi bế tắc.
24 Tháng Ba 2024(Xem: 419)
Trích từ sách Luận Giảng Vấn Đáp về THIỀN và KIẾN THỨC THỜI ĐẠI của HT Thích Thông Triệt (2014) - Luận giảng số 1 GIỚI THIỆU CÁCH THỨC TẠO LUẬN
17 Tháng Ba 2024(Xem: 502)
Trích từ sách Luận Giảng Vấn Đáp về THIỀN và KIẾN THỨC THỜI ĐẠI của HT Thích Thông Triệt (2014) - Lời Tựa
05 Tháng Ba 2024(Xem: 719)
Research works from Dr. Michael Erb on the mapping of the brain of Master Reverend Thích Thông Triệt Những đo đạc sau cùng của Thiền sư Thích Thông Triệt đã được thực hiện vào ngày 8 và 9 tháng 6 năm 2013. Tôi tường trình ở đây một số kết quả từ những thực nghiệm này kết hợp với kỹ thuật chụp ảnh chức năng cộng hưởng từ (f-MRI) và điện não đồ (EEG, 256 channels).
21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1151)
Buổi Phỏng Vấn Ni sư Triệt Như và Dr Michael Erb trên SBTN (trong chương trình VITORIA Tố Quyên SHOW) về NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC QUA CÁC THỬ NGHIỆM TẠI ĐẠI HỌC TUBINGEN, Germany SBTN là Kênh TRUYỀN HÌNH TIẾNG VIỆT đầu tiên và lớn nhất tại Hoa Kỳ phát sóng qua hệ thống cable, trên Direct TV khắp toàn nước Mỹ và phát trực tuyến qua SBTN Go trên toàn thế giới
20 Tháng Mười Một 2023(Xem: 568)
OHBM: là chữ viết tắt của Organization for Human Brain Mapping. Năm nay là năm thứ 16, mỗi năm họ tổ chức đại hội tại một quốc gia khác nhau. Số người tham dự rất đông, khoảng trên 3000 người đủ mặt từ các nước, đa số là người trẻ, trong đó đăc biệt chỉ có một thầy tu.
26 Tháng Mười 2023(Xem: 1197)
VIDEO Phóng Sự Kỳ Đo Não Bộ Hòa thượng THÍCH THÔNG TRIỆT tại Đại học Tuebingen Đức Quốc năm 2013 - Giới thiệu: Quang Chiếu - Quay phim: Tuệ Nguyên - Edit: Chúc Hải
17 Tháng Mười 2023(Xem: 2031)
Trong cái thấy, chỉ là cái thấy; trong cái nghe, chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri.
17 Tháng Tư 2023(Xem: 1908)
Thiền Tánh Không do Hòa Thượng Thiền Chủ Thích Thông Triệt thiết lập, kết hợp những tinh hoa rút từ tiến trình tu chứng và thành đạo của Đức Phật Thích Ca, các truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, Phật Giáo Phát Triển, Thiền Tông và kỹ thuật Thiền, được soi sáng bởi các khám phá đương thời của khoa học não bộ và các chứng ngộ của Thầy thành một hệ thống tu thiền sâu sắc, tân thời, rõ ràng và hiệu quả.
11 Tháng Tư 2023(Xem: 2009)
Vai trò của khoa học não bộ rất quan trọng. Đây là kiến thức thời đại. Chúng ta mượn khoa học não bộ để đối chiếu cách thực hành của chúng ta qua Pháp của Phật. Có như thế chúng ta mới chứng minh được giá trị Pháp của Phật đối với mọi trình độ căn cơ. Chúng ta biết vì sao chúng ta thực hành sai, vì sao chúng ta thực hành đúng.
20 Tháng Giêng 2021(Xem: 6085)
TỔNG KẾT CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU GIỮA ĐẠI HỌC TÜBINGEN (GERMANY) VÀ HỘI THIỀN TÁNH KHÔNG (USA) TỪ 2007 ĐẾN 2013 VỀ ĐỀ TÀI “ TƯƠNG QUAN THỰC NGHIỆM GIỮA THIỀN VÀ CÁC ĐỊNH KHU NÃO BỘ
03 Tháng Tư 2020(Xem: 7313)
Buổi phỏng vấn của ký giả Trọng Thành đài RFI với Thiền Sư Thích Thông Triệt đềi tài: Lợi ích của tập thiền dưới ánh sáng của khoa học về bộ não Thứ tư 18 Tháng Bẩy 2012
08 Tháng Chín 2014(Xem: 9995)
Ni Sư Triệt Như thuyết trình đề tài: "Đức Phật đã cống hiến gì cho nhân loại? trong ngày lễ Vesak ngày 18 tháng 5 năm 2014 tại Viện bảo tàng Linden, thành phố Stuttgart, Đức quốc.
26 Tháng Tám 2014(Xem: 14179)
VIDEO trình chiếu toàn bộ Buổi Thuyết Trình và Giới Thiệu 2 quyển sách mới của Hòa Thượng Thích Thông Triệt tại Nam Cali ngày 10 tháng 8, 2014 do Đài Truyền Hình Người Việt Quốc Gia thực hiện.
14 Tháng Ba 2013(Xem: 12388)
04 Tháng Giêng 2012(Xem: 19491)
Bài Pháp đầu năm 2012: Đạo Phật và Khoa Học.
18 Tháng Bảy 2011(Xem: 31217)
Ngày 24 tháng 6- 2011, Thầy Thiền Chủ và tăng đoàn từ giả thành phố Houston bay qua Québec để dự Hội nghị Khoa Học về não bộ.
22 Tháng Bảy 2010(Xem: 10571)
Co-Presentation and Book Release by Dr. Michael Erb Tϋbingen University , Tϋbingen, Germany Neuroelectric and Hemodynamic correlates of Sunyata Meditation: a combined EEG & fMRI study ******* Master Thich Thong Triet Sunyata Meditation Association, Riverside, California
22 Tháng Sáu 2010(Xem: 55247)
Từ ngày 3 tháng 6 đến ngày 11 tháng 6 năm 2010. (Huệ Nhã ghi chép)
15 Tháng Sáu 2010(Xem: 59717)
Poster Triển Lãm tại Đại Hội Khoa Học Gia Thế Giới - Tây Ban Nha - June 06, 2010
69,256