CHÚ Ý TRỐNG RỖNG
Chú ý trống rỗng là kỹ thuật thuộc Thiền Định và Thiền Huệ. Kỹ thuật này nghe lạ tai trong Thiền, nhưng có nhiều tác dụng rất sâu sắc. Cơ bản là nó chận đứng nghiệp xấu, không huân tập hạnh xấu, sống phù hợp theo giáo huấn của Phật, và làm cho tâm cá nhân thoát ra khỏi những điều kiện mà cá nhân đã bị điều kiện hóa trước đây.
Bằng kỹ thuật này, nếu thực hành đúng cách, ta sẽ có Định trước, Huệ sau.
Định là các căn khi tiếp xúc các đối tượng, các căn không bị các đối tượng tác động. Chỉ vì tâm không nắm giữ tướng chung hay tướng riêng của đối tượng, nên ý căn và ý thức không có mặt, xem như ta gìn giữ 6 căn rất chu đáo mà thực sự không có gìn giữ căn nào. Trái lại, ta chỉ thực hành thẳng vào cơ chế tánh giác thông qua tánh thấy hay tánh nghe...
Tánh giác được mô tả là nơi phát xuất huệ lực. Khi nó có mặt tâm xúc cảm, tâm dính mắc, kiến chấp, ganh tị, tùy miên, và bản năng không có mặt. Những điều kiện nhơ bợn này không thể xảy ra, dù tâm ta đã bị điều kiện hóa trong các bối cảnh sống trước đây theo các thứ truyền thống thế gian, bao gồm những truyền thống giáo dục, văn hóa, văn minh, và tôn giáo hay tín ngưỡng.
Người mới đi vào Thiền Căn Bản, ta cần thực tập kỹ thuật này để hàng phục vọng tâm làm cho chân tâm hiển lộ mà không thông qua phương pháp Quán. Đây là cách đi thẳng vào chân tâm, tức tánh giác.
Qua kỹ thuật này, nếu thành tựu vững chắc, ta sẽ kinh nghiệm biết rõ ràng và đầy đủ, tức “chánh niệm tỉnh giác” (sati ca sampajañña), phù hợp theo lời dạy của Phật. Phật nói: “Này các Tỳ kheo, cần phải trú chánh niệm tỉnh giác. Đây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.” (Tương Ưng 5, số 142). Thế nào là trú trong chánh niệm tỉnh giác? Đó là tâm không dính với cảnh mà vẫn biết rõ ràng về cảnh.
Đây là năng lực nhận biết rõ ràng và đầy đủ của tánh thấy bên trong cơ chế tánh giác. Trong tiến trình thấy và biết này không có tạp niệm xen vào, ý niệm “ta” không có trong đó. Đây là cái thấy biết hoàn toàn thuần tịnh.
Khi mới thực hành Thiền, Chú ý trống rỗng và sự nhận biết là trọng tâm của thiền ở bước đầu. Nhận biết ám chỉ trạng thái biết đối tượng thông qua các căn mà không có suy luận của trí năng. Đây là cái biết của tánh giác. Đây là cách điều phục tâm thiết thực. Nó chẳng những làm cho tâm không dao động theo bản chất, bản năng, vượt qua thiện ác, hàng phục ái dục, ngăn chận tùy miên của tâm mà còn là cho tánh giác có mặt, tập khí/lậu hoặc bị cô lập.
Chú ý trống rỗng là cách tập chú nhìn vào một đối tượng mà không biện minh về đối tượng đó như thế nào. Ta chỉ thấy đối tượng mà trong não không có lời nói thầm khởi lên.
Là cách tập nhìn đối tượng mà không suy nghĩ, không dán nhãn đối tượng. Đây là cái nhìn của tánh thấy. Tánh thấy chứng kiến mà không nói thầm. Trong đó không có người nhìn, cũng không có nội dung nhìn, và không có sự diễn nói về đối tượng trong khi đương nhìn hay sau khi nhìn. Giống như cách nhìn của Ngài Đại Ca Diếp khi đức Phật đưa cành hoa lên.
Là cách tập nhìn vào một điểm bằng sự thấy biết (visual awareness), dù tai có nghe biết môi trường bên ngoài như tiếng ồn của trẻ con, tiếng máy nổ của chiếc xe, tiếng ca hát của ca sĩ, tánh biết vẫn có mặt khắp nơi. Vì không có điều gì làm rối loạn tâm. Đây là cách tập nhìn để đánh thức tánh thấy.
Bằng cách nhìn với sự chú ý trống rỗng vững chắc ta sẽ kinh nghiệm hạn chế được tâm lăng xăng dao động.
“Trống rỗng” có nghĩa “không có chứa điều gì.” Chú ý trống rỗng có nghĩa “chú ý mà không để tâm quan sát hay tìm hiểu nội dung chú ý, nhưng lại biết rõ đối tượng như thế nào.” Nơi đây chỉ có tiến trình biết (a process of knowing) và đối tượng của sự nhận biết mà không có người biết phía sau đó.
Đây là một kỹ thuật tổng quát hướng dẫn người mới đi vào thiền thực tập cách sử dụng trí năng để điều khiển 2 mắt “chú ý nhìn đối tượng trước mặt mà không để ý đến nét chung hay nét riêng của đối tượng.” Ta “nhìn thấy đối tượng mà không cố ý muốn biết rõ về đối tượng như thế nào. Ta chỉ thầm lặng biết đối tượng mà thôi.” Đối tượng như thế nào, ta chỉ nhận ra rõ ràng y như thế đó mà không nói tên đối tượng, cũng không khởi niệm so sánh hay phân biệt đối tượng này với đối tượng kia. Danh từ “ta” trong trường hợp này là giả lập hay tạm gọi để cho rõ nghĩa, chứ trong lúc đó chỉ có tiến trình biết và đối tượng của sự biết mà thôi. “Cái Ta” vắng mặt trong tiến trình này. Đó là ý nghĩa của “chú ý trống rỗng.”
Ta có thể nói cách khác: chú ý trống rỗng là cách “nhìn thấy vật, biết rõ ràng về vật mà không gọi tên vật, cũng không nói thầm những sắc thái của vật như thế nào trong não,” giống như cách “không định danh đối tượng” hay “không gọi tên vật trước mắt” là gì. Nếu ta gọi tên hay khởi niệm so sánh đối tượng, sự chú ý trống rỗng trở thành chú ý có nội dung, không còn mang ý nghĩa trống rỗng nữa, và như thế là có ý niệm ta hiện hữu. Như thế là sai. Nếu nói theo lý luận của kinh Kim Cang, ta có thể nói: “Chú ý mà không chú ý, đó là chú ý trống rỗng.” Hoặc “Mắt tuy thấy cảnh vật mà không chú ý đến nội dung cảnh vật. Đó là chú ý trống rỗng.” Hoặc “Tai tuy nghe tiếng mà không chú ý đến nội dung âm thanh, đó là chú ý trống rỗng.”
BBT