Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Ni sư Triệt Như,
Kính bạch cầu Tôn đức Tăng Ni giáo thư Thiền Tánh Không,
Và kính thưa quý thiền sinh hiện đang tham gia trực tiếp tại tổ đình cũng như các vị thiền sinh đang hiện diện qua zoom.
Lời nói đầu tiên, toàn thể thiền sinh của hai đạo tràng tại Việt Nam kính vấn an Ni Sư và toàn thể chư Tôn Đức Tăng Ni, cũng như tất cả quý thiền sinh, đạo hữu khắp nơi.
Tiếp theo, họ cũng xin gửi lời tri ân sâu sắc đến Ni Sư vì đã có quan tâm, tham khảo cố gắng đến hai đạo tràng còn non trẻ trong bước đầu tu học.
Kế đến là lời cảm ơn đến các Tôn đức Tăng Ni vì đã yểm trợ nhiệt tình trong chuyến đi hoằng pháp của Ni Sư về hai đạo tràng chúng con tại VN .
Tiếp theo là lời biết ơn đặc biệt đến vị trí cố vấn trực tiếp của ĐT Tuy Hòa là thầy Quang Dũng vì đã sách tấn ĐT tu tập trong năm vừa qua.
Và cuối cùng là lời cảm ơn chân thành đến các vị trí trong ban điều hành ĐT Sài Gòn như: Cô Như Nguyện, cô Như Yến, và anh Tánh Tâm trong vai trò hỗ trợ cập nhật các bản tin tu học trên hai nhóm zalo TTK tại VN và các tổ chức trong các kỳ tu học diễn ra tại VN.
2. Nội dung chínhA. ĐẠO TRÀNG SÀI GÒN
a. Pháp học
Trong bối cảnh đạo tràng Sài Gòn vẫn chưa thống nhất được địa điểm tổ chức cố định, vào những dịp diễn ra khóa tu khi Ni Sư về Việt Nam, đa phần là phải mượn địa điểm khác có diện tích rộng rãi và thuận tiện hơn để tổ chức. Vì thế, mỗi thiền sinh chủ yếu tự tu tập tại nhà về phương diện tọa thiền và khí công.
Về mặt nội dung pháp học, nguồn tài liệu tu học tham khảo từ các mẩu truyện ngắn đầy thú vị do Ni Sư biên soạn với những tựa đề khác nhau như: “Tâm tình với nhau”, “ Suối nguồn hạnh phúc”, hay “ Tiếng hát giữa trời”. Mỗi bài viết đều chuyên chở một thông điệp nhỏ với nhiều sắc thái phong phú và mang một nét rất riêng mà Ni Sư muốn gửi gắm. Tất cả đều đóng vai trò như một “Tàng Kinh Các online thu nhỏ” trong thời đại 4.0 cho những ai thực sự có mưu cầu học Phật pháp, vun bồi tài mẫn tuệ. Ban tu học đã chia sẻ những bài viết này trên nhóm zalo TTK Việt Nam. Ngoài ra, chúng con còn tuyển chọn những bài thuyết pháp của Ni Sư trong các chuyến du hóa với niềm hy vọng: “Những dòng tuệ giác của Đức Như Lai có thể rớt vào tâm thức của mỗi người con học Phật trong ngày vị lai”. Chúng con vẫn tin rằng bước đầu tuy chưa có khả năng chuyển hóa được tâm thức nhưng nếu đủ duyên, tâm thức mỗi người sẽ mở ra. Nói theo Lý Duyên Khởi thì “Cái này có khởi lên cái kia có.”
Nhìn chung, ĐT Sài Gòn vẫn gặp nhiều khó khăn trong khâu tổ chức sinh hoạt tỷ dụ như: Các thành viên trong BĐH không sắp xếp được thời khóa sinh hoạt chung. Ấy vậy, mỗi người đều tự nỗ lực tu tập và BĐH cũng sẽ cố gắng ngồi lại bàn bạc với nhau để mở thêm những buổi sinh hoạt trong tương lai. Hoan hỷ nhất là mỗi vị vẫn duy trì được niềm đam mê với Phật Pháp và tinh tấn trong việc hành trì. Chúng con vẫn có niềm tin vào một triết lý Nho giáo:“Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu.”
b. Pháp hành
Vì không có được lợi thế không gian rộng rãi, thoáng đãng để đi thiền hành nên đạo tràng SG chỉ chú trọng vào thiền tọa. Mỗi thiền sinh vẫn duy trì ngồi thiền tại nhà dựa trên những chủ đề mà Ni sư đã hướng dẫn bao gồm từ cơ bản đến nâng cao ví dụ như: Thư giãn lưỡi, nghe tiếng chuông, không định danh đối tượng, quan sát hơi thở và thiền quán. Biết rằng mỗi vị sẽ có những điểm mạnh riêng nên tùy vào căn cơ mỗi người, ai thích hợp với loại chủ đề nào thì sẽ luyện tập sâu hơn ở chủ đề đó, và sẽ xem đó là cây gậy thiền tập của mình để có thể tiến xa hơn trên con đường thiền định và thiền tuệ.
Mục tiêu chính vẫn là giữ cho thân tâm được thoải mái và an lạc, hài hòa trong chính gia đình của mình, với mọi người xung quanh mình, và với thiên nhiên. Nói đến đây, con nhớ lại lời Ni Sư đã dạy: “Thiền chỉ là một phương thức sống tốt. Sống làm sao để đời sống của mình có thể mang lại lợi ích cho chính mình; nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thôi là chưa đủ trọn vẹn, mà còn phải sống làm sao để có được nhiều lợi lạc cho những người xung quanh mình. Và mục tiêu cuối cùng vẫn là phát huy trí tuệ tâm linh có sẵn trong mỗi người, quay về với Chân Như, Phật tánh, “phản bổn hoàn nguyên” hay “hồi đầu thị ngạn.”
c. Khí công
Mục đích duy trì việc tập khí công cũng xuất phát từ ý nghĩ giống với quan điểm của Sư Ông đó là: “Duy trì một sức khỏe thật tốt. Nhờ đó, việc hành thiền cũng tránh được hôn trầm và thụy miên.
Vì nhóm tuổi của các thiền sinh trong đạo tràng SG khá đa dạng, trải dài từ các thanh niên trẻ (khoảng 23 tuổi) đến nhóm các cô bác lớn tuổi (khoảng 50 - 70 tuổi) nên chúng con đã lựa chọn khoảng 20 tư thế tiêu biểu trong giáo trình khí công của Sư Ông giới thiệu, bao gồm đủ các tư thế đứng, ngồi và nằm, nhưng vẫn đảm bảo đa dạng về mục đích chữa bệnh từ điều hòa kinh mạch, khí huyết, chữa bệnh tim mạch, thần kinh, và xương khớp.
B. ĐẠO TRÀNG TUY HÒA
a. Tình hình sinh hoạt trong năm vừa qua
Ngay từ lúc đạo tràng được thành lập (20-11-2022), BĐH đạo tràng Tuy Hòa vẫn cố gắng duy trì lịch sinh hoạt đều đặn mỗi tháng 2 lần tại nhà thờ Họ Lê của chúng con. Với nội dung sinh hoạt có phần tương đối đơn giản được chia thành 5 phần nhỏ bao gồm những nội dung tu học cơ bản, thích hợp cho các vị có trình độ, căn cơ thấp nhưng vẫn biểu đạt được đầy đủ về mặt hình thức bên ngoài lẫn nội hàm bên trong:
- Đầu tiên là phần nghi lễ gồm có 2 phần nhỏ kéo dài trong khoảng 45 phút: Buổi Lễ Phật, Lễ Tổ và nghi thức ôn tụng Năm giới dành cho người Phật tử tại gia với mục đích khơi gợi ý thức giữ giới, và mở rộng con đường của sự hiểu biết và yêu thương đối với mỗi người và đối với cộng đồng.
- Thứ hai là phần pháp hành kéo dài khoảng 45 phút. Biết được rằng thân tâm nhất như, thân khỏe thì tâm an. Vì thế, chúng con luôn duy trì việc ôn tập phần lý thuyết hành thiền trong 10 phút đầu để giúp tăng thêm độ an tâm, và tâm không bị phóng giật trong lúc ngồi thiền. Tiếp đến, 30 phút sau dành cho việc tọa thiền với những chủ đề cơ bản như: Thư giãn lưỡi, nghe tiếng chuông, pháp thở.
Ngoài ra, có những ngày cảm thấy thời tiết đẹp, chúng con cũng linh động bổ sung thêm 15 phút thiền hành với mục đích chính là đảm bảo tổng thời lượng động và tĩnh được cân bằng, giúp thân tâm hài hòa hơn. Hơn nữa, thiền hành cũng có thể mang lợi nhiều lợi ích hơn cho mọi thiền sinh mỗi khi muốn tập luyện thêm ở nhà, qua việc đi chợ hàng ngày, qua những giờ tản bộ buổi sáng sớm.
- Thứ ba là phần pháp học với thời lượng kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ. Nội dung tu học cốt lõi được trích từ những đoạn video bài giảng của Ni Sư trong khóa Thiền căn bản trên kênh Youtube.
- Thứ tư là phần tập khí công. Nhằm mục đích cải thiện tình hình sức khỏe về thân, buổi tập khí công được gói gọn trong thời lượng 1 tiếng đồng hồ.
- Kết thúc buổi sinh hoạt là giờ thọ trai nhằm tăng thêm không khí ấm cúng, tinh thần đoàn kết của các thành viên trong đạo tràng.
b. Những hoa trái đã gặt hái được:
Đầu tiên phải nói đến nhóm thiền sinh trẻ tuổi, khoảng từ 30 - 42 tuổi: Vô luận là mục đích tìm đến Đạo Giải Thoát là gì, từ mục đích cao siêu, mầu nhiệm cho đến nhu cầu rất đỗi đơn giản và thiết thực trong cuộc sống hàng ngày; vô luận là đối tượng có trình độ căn cơ cao hay thấp; vô luận là thiền sinh có chủ đích tìm cầu học hỏi & hành trì theo giáo pháp Như Lai, hay chỉ là vô tình bén duyên với Đạo Phật mà phát khởi bồ đề tâm, tất cả đều giống nhau ở một điểm: “Ở mức độ cạn nhất là tu tập để cải thiện đời sống hàng ngày được khỏe mạnh và an lạc hơn cả về thân và tâm; ở mức độ sâu hơn nữa là có thể thay đổi góc nhìn về nhân sinh quan, về thế giới quan, về cuộc sống này theo đúng bản chất của pháp “Như Là”, để rồi dần dần tiếp cận đến cốt lõi của Đạo Phật - Đạo của tình thương và hiểu biết.
Cũng vậy, đối với nhóm thiền sinh cao niên, dao động khoảng từ 60 đến 80 tuổi: Mục đích chính của các cô bác ở độ tuổi “ thất thập cổ lai hy” này đó là cải thiện được sức khỏe về thân qua những động tác khí công nhẹ nhàng, phù hợp với độ tuổi này. Khế hợp với các bài thiền tập cơ bản trong thời gian ngắn, tỷ dụ như nghe tiếng chuông ở bước đầu, nghe âm thanh ở bước hai, và ở mức độ xa hơn là tập quan sát tâm của mình khi đang có âm thanh.
Song, dựa theo tình hình thực tế là các bác lớn tuổi hiện chỉ dừng lại ở bước đầu tiên nghe tiếng chuông. Nhưng dù sao, chúng con vẫn hy vọng chính những bước thiền tập căn bản này giúp các cô bác có thể giải quyết được bài toán lớn của cuộc đời là “Làm sao sống bình an với cuộc sống ở hiện tại, dung hòa với mọi người trong gia đình” và xa hơn nữa là chuẩn bị “Tâm” thật vững chắc để đối mặt với “chuyện sinh tử trong những ngày tháng ở tương lai.”
c. Những khó khăn & cách khắc phục:
Vì đạo tràng mới được thành lập hơn 1 năm nên khó tránh khỏi những khó khăn nhất định ở buổi ban sơ. Nhưng chúng con vẫn tin sâu vào quan niệm của người xưa: “Có khó mới ló cái khôn”, vì thế, các thiền sinh mới không “bồ đề tâm bất thoái” trong suốt thời gian qua.
Khó khăn đầu tiên phải nhắc đến là các thành viên chủ chốt trong BĐH vẫn còn thiếu sót kinh nghiệm trong việc tu học. Nhưng cũng may mắn thay, sự tham gia sinh hoạt chung của Sư Quang Dũng qua zoom cũng phần nào gỡ rối được điểm này.
Cũng có những thời điểm, các thành viên trong BĐH không sắp xếp được lịch của cá nhân vì lý do mưu sinh hoặc có buổi số lượng thiền sinh tham dự sinh hoạt không được đông (giảm xuống còn khoảng 10 vị). Tất nhiên, điều này có ảnh hưởng đến không khí và nhiệt huyết tu học của các thành viên khác. Thế nhưng, mỗi khi có một vị nào trong BĐH vắng mặt thì các thành viên còn lại cũng cố gắng hỗ trợ luân phiên thay đổi vị trí của nhau để hỗ trợ buổi sinh hoạt diễn ra suôn sẻ hơn. Mục tiêu chung là bình đẳng, không bị lệ thuộc lẫn nhau trong trong khâu tổ chức sinh hoạt, xa hơn là giúp phát huy được tính năng động và phát huy được tài năng tiềm ẩn của mỗi vị.
d. Kế hoạch tu học trong tương lai:
Nhằm sắc tấn tinh thần tu học của cả đạo tràng và cải thiện trình độ tu học mỗi thiền sinh, BĐH chúng con dự định sẽ cải thiện qua những điểm dưới đây:
Trên phương diện pháp hành thiền: Với phương châm: “ Giữ tâm an, lan hạnh phúc” nên chúng con sẽ hướng đến việc giới thiệu thêm những kỹ thuật thiền tập để mọi người có thể trải nghiệm và chọn cho mình những phương pháp thích hợp nhất ví dụ như: Pháp Như Thật, Pháp không nói, Thở hai thì, Nhìn khoảng trống.
Trên phương diện pháp học, chúng con sẽ tiếp cận gần hơn với nội dung cốt lõi của TTK bằng cách thường xuyên đăng tải những bài thuyết pháp của Ni sư trong các chuyến du hóa ở khắp các châu lục cũng như những bản tin tu học trên Website trung ương TTK. Bằng cách thức này có thể sẽ thuận tiện hơn đối với những vị thiền sinh trẻ tuổi vì ưu điểm của giới trẻ là thành thạo về mặt công nghệ.
Về phương diện thọ trai, ông bà ta có câu: “Có thực mới vực được đạo” hay “Con đường ngắn nhất để đi đến trái tim của một người là qua đường bao tử.” Do đó, ban ẩm thực sẽ cố gắng thử sức làm phong phú đa dạng hơn các món ăn để hỗ trợ cho buổi sinh hoạt đạo tràng thêm vui và ấm áp hơn.
e. Ban điều hành mới
Cuối tháng 3 vừa rồi, dựa trên thanh quy của TTK, các thành viên trong Đạo tràng cũng ngồi lại với nhau và tham gia biểu quyết để bầu ra BĐH mới cho ĐT Tuy Hòa trong nhiệm kỳ 2024- 2026 dựa trên tinh thần công bằng, trung lập, nhưng vẫn có sự cân nhắc nghiêng về mặt sức khỏe và sự nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ. Mọi người đều thống nhất với ban điều hành mới dưới đây:
3. Tổng kết
Việc sinh hoạt của hai đạo tràng TTK tại VN là những buổi gặp mặt đơn sơ để từng bước gieo hạt mầm “bồ đề tâm” vào tâm thức của mỗi người.
Trên con đường tìm về với chân tâm bản tánh, mỗi người sẽ có những hướng đi riêng; song tất cả đều hướng về một mục đích chung: “Tìm về với Chân tâm, Tự Tánh của mỗi người” mà chúng ta vẫn thường nghe nhắc đến qua những lời kinh, tiếng kệ:
“Nào ngờ tự tánh vốn thanh tịnh,
Nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt.”
Sau cùng, toàn thể thiền sinh của hai đạo tràng tại VN kính chúc Ni Sư dồi dào sức khỏe để có thể tiếp tục dẫn dắt Tăng đoàn TTK tiến bước trên con đường tu học, mang giáo pháp của Như Lai lan tỏa muôn nơi.
Kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni tinh tấn trên con đường tu tập, đạt được ước nguyện mặc áo Như Lai chứng pháp thân.
Kính chúc quý thiền sinh trong đại gia đình TTK thân tâm đều an lạc, chí tu học vững bền.
Chúng con xin kết thúc bài tường trình sinh hoạt của hai đạo tràng tại Việt Nam.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Việt Nam, ngày 07 tháng 04 năm 2024