BIÊN KHÀO: Thử Tìm hiểu Thiền Tông Việt Nam
Bài 1/4: PHẬT GIÁO VÀ THIỀN THỜI CỔ ĐẠI Ở VIỆT NAM
https://www.tanhkhong.org/a3437/phat-giao-va-thien-thoi-co-dai-o-viet-nam
Bài 2/4: HAI THIỀN PHÁI XUẤT HIỆN THỜI BẮC THUỘC
https://www.tanhkhong.org/a3440/dd0448-hl-tran-van-dat-bien-khao-bai-2-4-hai-thien-phai-xuat-hien-thoi-bac-thuoc
Bài 3/4: Các THIỀN PHÁI CHÍNH Ở VIỆT NAM TRONG THỜI ĐỘC LẬP PHONG KIẾN
https://www.tanhkhong.org/a3457/bai-3-4-cac-thien-phai-chinh-o-viet-nam-trong-thoi-doc-lap-phong-kien
Bài 4/4: CÁC THIỀN SƯ LÃO THÀNH NỔI BẬT HIỆN NAY
https://www.tanhkhong.org/a3468/dd0457-hl-tran-van-dat-bien-khao-bai-4-4-cac-thien-su-lao-thanh-noi-bat-hien-nay
Bài 2/4:
HAI THIỀN PHÁI
XUẤT HIỆN THỜI BẮC THUỘC
(~ 500 – 939)
H.L. Trần Văn Đạt
(Đạo tràng Nam Cali)
Các dòng thiền Phật giáo đã được khởi xướng từ khi Đức Thế Tôn hành đạo ở Ấn Độ và được truyền từ quốc gia này đến Việt Nam và Trung Quốc từ lúc nào?
Ở Ấn độ, thiền là một hoạt động thiết yếu và thường xuyên trong Phật sự ngay lúc Đức Thế tôn còn tại thế, chẳng hạn Đức Thế tôn dạy các đệ tử quán niệm hơi thở, Tứ niệm xứ (anapanasati), đây là con đường độc nhất đưa đến chứng ngộ Niết Bàn. Về sau, Đại sư Ma-ha-ca-diếp được các hậu duệ Phật giáo tôn vinh là Sơ tổ đầu tiên trong 28 vị Tổ của các thiền phái ở xứ này. Cho nên, khi Phật giáo bắt đầu hiện diện trên đất Việt cổ cách nay khoảng 2.300-2.200 năm vào cuối thời đại Hùng Vương, sinh hoạt thiền tông đương nhiên cũng có mặt từ thời cổ sơ này; trong khi đó Phật giáo đến Trung Quốc muộn hơn vào năm 67 sau Tây lịch. Vì vậy, Đại sư Khương Tăng Hội, một dịch giả và thiền sư rất nổi tiếng ở Giao Châu và Trung Quốc vào thế kỷ thứ 3 sau Tây lịch đã được một số nhà nghiên cứu Phật học trong nước đề nghị là Sơ tổ khởi xướng Thiền tông ở Việt Nam vào buổi đầu.
Sau Đại sư khoảng 300 và 600 năm, hai thiền phái lớn mạnh của Trung Quốc được truyền vào Việt Nam và trở nên thịnh hành, đó là phái Tỳ-ni-da-lưu-chi xuất hiện năm 580 và phái Vô Ngôn Thông năm 820.
Đến thế kỷ thứ 6, Thiền tông Trung Hoa lần đầu tiên được truyền sang Việt Nam bởi Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci: ? - 594) còn được gọi trong tiếng Hán là Diệt Hỉ, xuất thân từ miền Nam Ấn Độ (thung lũng Swat), đệ tử của Tam tổ Tăng Xán. Thiền sư sinh trưởng trong một gia đình Bà La Môn. Sau khi xuất gia, Ngài du hành khắp các miền Tây và Nam Ấn Độ để học thiền. Năm 574, Ngài đến Trường An, Trung Hoa gặp Tổ Tăng Xán. Ông được Tổ khuyên đi về phương Nam hành đạo và đến Giao Chỉ khoảng 580, trụ trì ở chùa Pháp Vân hay chùa Dâu[1] ngày nay, Luy Lâu, tỉnh Bắc Ninh. Ở đây, ngài gặp Sư Pháp Hiền đang dạy chúng và truyền pháp cho nhà sư này. Đại sư là vị sơ tổ sáng lập ra dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi tại Việt Nam, đã hoằng hóa tại đây 14 năm cho đến khi viên tịch năm 594. Thiền sư được xem là một trong những người đầu tiên có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của Thiền tông Việt Nam.
Tư tưởng chính của dòng thiền này là tu tập theo Kinh điển Đại Thừa, Lục Độ Ba La Mật và Trí Tuệ Bát Nhã, theo tinh thần bất lập văn tự nhưng không quên nghiên cứu kinh luận, chủ trương thực tại siêu việt không hữu và hướng về Mật giáo. Đặc biệt, các thiền sư dòng Tỳ-ni- đa-lưu-chi thường có hình thức tu tập "Tổng Trì Tam Muội" (Dharani samadhi) là một pháp thiền Mật tông để giữ pháp thiện và ngăn pháp ác. Bằng chứng Mật tông được tìm thấy ở Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình); đó là một cột kinh Phật bằng đá vào thế kỷ thứ 10 có khắc bài thần chú Phật Đỉnh Tối Thắng Đà La Ni (Usnisavijaya dharani), một thần chú phổ biến của trường phái này.
Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ hơn là của Trung Hoa. Đây là một dòng thiền rất thích nghi với văn hóa dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo vừa dấn thân vào đời sống thực tế và mộc mạc của quần chúng [4].
Vào thế kỷ thứ 9, Đại sư Vô Ngôn Thông (759-826) là đệ tử của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, quê ở Quảng Châu, xuất gia tại chùa Song Lâm, Vũ Châu, Trung Quốc đến Việt Nam lập ra một thiền phái thứ hai trong thời Bắc thuộc: Vô Ngôn Thông. Nhà sư vốn tính tình điềm đạm ít nói, nhưng thông minh nên người đương thời gọi là Vô Ngôn Thông. Năm 820, Sư sang Việt Nam trú tại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, tỉnh Bắc Ninh, để truyền pháp Thiền Nam phương của Lục Tổ Huệ Năng.
Tư tưởng chính của thiền phái này là chủ trương đốn ngộ và “dĩ tâm truyền tâm”. Phật chính là tâm, bất nhị, và nhấn mạnh giáo pháp vô đắc (sự giác ngộ chỉ do mình tự thực hiện lấy). Có lẽ pháp thoại đầu được đặc biệt quan tâm trong giáo hóa, truyền pháp của thiền phái Vô Ngôn Thông. Ngoài ra, dòng thiền này còn sử dụng không những kinh Bát nhã mà còn kinh Viên giác và Pháp hoa.
Các Thiền sư nổi tiếng của phái này như Thiện Hội (thế hệ 3), Định Hương (thế hệ 7), Ngộ Ấn (thế hệ 9). Thiền phái này còn có các Thiền sư dùng thơ để giải đáp cho người hỏi đạo, mở đầu cách nêu thoại đầu bằng thi ca, gồm có Thiền Lão (thế hệ 7), Viên Chiếu (thế hệ 8), Trí Bảo (thế hệ 11), Tịnh Không (thế hệ 11) (Biểu đồ VII. 2). Phái Vô Ngôn Thông cũng giống như thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, rất gần gũi với đời sống xã hội, nhập thế trong khi vẫn duy trì sinh hoạt tâm linh siêu việt của mình; nhưng thiền phái này còn mang nhiều sắc thái Phật giáo Trung Quốc trong việc tổ chức tu viện và sử dụng thoại đầu [3].
Sau khi Đại sư Vô Ngôn Thông viên tịch thiền phái này gồm tất cả 17 thế hệ và 38 thiền sư. Tăng Thống Khuông Việt thiền sư (933-1.011) là đời thứ 4, quốc sư của vua Đinh Tiên Hoàng. Mãn Giác là đời thứ 8. Đỗ Thuận là đời thứ 10, quốc sư của vua Lê Đại Hành.
Nhìn vào lịch sử thiền của Việt Nam, người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy không có phái thiền nào khởi xướng ở trong nước suốt 5 thế kỷ đầu Tây lịch (dù đã có mặt ở Ấn Độ cả ngàn năm); trong khi đó đã có các hoạt động văn hóa Phật giáo nhộn nhịp tại thị tứ Luy Lâu vốn có mặt trước thời TL ở đồng bằng sông Hồng, và nơi đó có hàng trăm ngôi chùa miếu thờ và rất nhiều đại chúng tu học. Ở Trung Quốc cũng vậy, có trung tâm Phật giáo Lạc Dương (thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay), và một trung tâm khác là Bành Thành (thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay) dù muộn hơn Luy Lâu. Ngoài ra, ở Việt Nam, tài liệu về Phật giáo trước thời Đại sư Khương Tăng Hội, một dịch giả và thiền sư nổi tiếng bấy giờ rất hiếm thấy; chỉ có quyển “Lý hoặc Luận”, tác phẩm về đạo Phật bằng chữ Hán đầu tiên được Mâu Tử (160-230)[2] viết tại Giao Chỉ năm 189 STL được ghi nhận và thường nhắc tới. Ngay cả tài liệu liên quan về sự nghiệp và các hoạt động Phật sự của Đại sư Tăng Hội vào thế kỷ thứ 3 STL lúc còn ở Việt Nam cũng không tồn tại; nhưng lịch sử đóng góp công đức của Ngài vào phát triển thiền giáo ở kinh đô Kiến Nghiệp, Giang Tô đến nay vẫn còn lưu giữ khá đầy đủ ở Trung Quốc!
Rõ ràng thiền tông chính thức chỉ bắt đầu tại Trung Quốc từ năm 520 STL khi Tổ thứ 28 Bồ-đề-đạt-ma của Ấn Độ đưa pháp thiền của Phật giáo vào Trung Quốc và theo sử liệu của họ từ nơi này một thiền phái mới được đưa vào Việt Nam bởi Thiền sư Tỳ-ni-đa-lư-chi vào thế kỷ thứ 6. Có thể đây là ý đồ của kẻ xâm lược phương Bắc trong thời đô hộ không muốn có những lãnh tụ và các sự kiện phát triển bản xứ nổi bật dù từ lãnh vực tôn giáo. Nếu không, Đại sư Khương Tăng Hội cũng đáng được đề cử là người có thể khởi xướng thiền tông ở cả Việt Nam và Trung Quốc vì Ngài đã hoằng pháp hơn ba thập niên và tịch diệt ở Kiến Nghiệp được ban là Siêu hóa Thiền sư, trước khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma đến nước này khoảng 300 năm.
Một số tài liệu đã minh chứng Phật giáo truyền từ Ấn Độ đến Việt Nam (thế kỷ thứ 3-2 TTL) trước Trung Quốc (67 năm STL), cho nên đạo Phật có thể từ trung tâm văn hóa tôn giáo Luy Lâu lan tỏa về phương Bắc, nhưng họ không nghĩ như vậy!
Tài liệu tham khảo:
(https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o_Vi%E1%BB%87t_Nam
Phụ đề: Biểu Đồ Các Tông Phái Phật Giáo Từ Ấn Độ Đến Việt Nam (thuvienhoasen.org)[5]
[1] Chùa Dâu, còn có tên là Diên Ứng (延應寺), Pháp Vân (法雲寺), hay Cổ Châu, là một ngôi chùa nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Đây là trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của Việt Nam. Chùa còn được người dân gọi với những tên gọi khác nhau như chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên ứng tự (Wiki).
[2] Mâu Tử tên thật là Mâu Bác, sinh vào khoảng năm 160 và mất ~ năm 230 STL. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Ông là một trong số ít người đầu tiên ở nước ngoài đến Giao Châu (miền Bắc VN ngày nay) tu học và khai truyền đạo Phật tại đây vào cuối thế kỷ thứ 2 đến đầu thế kỷ thứ 3 (Wiki).