Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 49
“Xe Một Số” là nhóm từ ngày xưa Thầy Thiền Chủ thường nói “con đường tu của mình là Xe Một Số”. Xe ý nói là phương tiện. Một số ý nói là cái Biết. Chỉ cái Biết thôi có thể đi tới nơi mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu cuối cùng Thầy chủ trương là Hài Hòa, chứ Thầy không nói là thoát khổ, giác ngộ và giải thoát.
Thầy giảng đa số chúng ta còn là cư sĩ làm sao có thể mong thoát khổ hoàn toàn, giác ngộ hay giải thoát hoàn toàn được. Hài hòa thôi, cũng là mãn nguyện rồi. Hài hòa trước nhất là trong tâm ý của chính mình, là điều khó khăn nhất, đòi hỏi thời gian dài tu học, trí tuệ, thực tập. Đây là nền tảng không thể thiếu, từ đây sức khỏe được phục hồi càng ngày càng tốt hơn, là hài hòa tâm sẽ dẫn tới hài hòa thân của mình.
Thân khỏe tâm an thì lời nói, cử chỉ nhu hoà, trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cháu cũng được sống bình an vui vẻ. không khí an lạc lan tỏa dần ra bà con, anh em, bạn bè, hàng xóm xa gần, rồi lan ra tới cả những người chưa quen biết. Làn sóng từ bi và trí tuệ lan ra mãi ảnh hưởng tới các loài sinh vật khác và cả cây cảnh thiên nhiên nữa.
Như vậy từ sự hài hòa trong chính tâm mình dẫn tới hòa nhập vào cùng nhịp điệu hài hòa của cả thế gian, còn có gì tuyệt vời hơn nữa. Thì có khác gì với thoát khổ, giác ngộ hay giải thoát.
Vấn đề của chúng ta gút lại là làm sao hài hòa được tâm ý của mình? Đây là con đường tu của mình, chỉ có bấy nhiêu. Thì Thầy mình đã nói, mình phải đi “xe một số” thôi. Ngoài ý nghĩa quan trọng nhất là giữ cái Biết luôn luôn, có thể còn vài điều kiện phụ nữa, là:
- Không thay đổi xe
- Không thay đổi đường
- Không thay đổi “lane” chạy
- Không thay đổi tốc độ
Nói chung là khi mình phát tâm tu học thì nên duy trì cái nhiệt tâm đó, khi đã chọn một pháp môn nào thì giữ pháp môn đó, không tham lam ghép hai ba pháp môn khác nhau, tâm mình bền chắc, cứng cỏi, chứ không thay đổi, khi hăng hái quá khi nãn lòng, lui sụt, bỏ bê.
Bây giờ mình bàn tới cái Biết, là trung tâm điểm của việc tu tập.
Trong kinh tạng Pāli, là từ Sati, kinh tạng Sanskrit là từ Sṁrti, Việt dịch là Niệm, có khi là chánh niệm. Từ Niệm có nhiều nghĩa: tưởng nhớ lại, hay suy nghĩ, thường có cái chủ quan chen vào, còn chỉ biết rõ thôi, không xét đoán thêm, thì là khách quan, trung thực. Khi có chủ quan chen vào thì thường dẫn tới tâm xúc cảm, buồn vui thay đổi theo cảnh. Khi chỉ biết khách quan, tâm thường tĩnh lặng, bình an, sáng suốt.
Tại sao lại biết chủ quan? Là vì trong tâm mình có thiên lệch, mình ưa thích hay ghét bỏ cái gì đó, hễ hợp với cái ưa thích thì vui, nếu là cái mình ghét bỏ thì buồn phiền, bực bội. Tất cả những cái ưa thích hay ghét bỏ, gọp chung lại là lậu hoặc hay tập khí, ngoài ra có kiết sử và tùy miên. Có thể nói, đây là “thủ phạm” của biển khổ của chính mình mà cũng là biển khổ của mọi người.
Chúng ta thử xét qua những “thủ phạm” này là gì?
Trước nhất đức Phật đã nhận ra trong khi chứng ngộ Tam Minh, nguồn gốc của tái sanh, của biển khổ, là lậu hoặc, Đức Phật tạm chia ra 4 thứ:
- Vô minh lậu: không có trí tuệ hiểu biết phương cách tu học đúng gọi là vô minh, đưa tới biển khổ luân hồi.
- Dục lậu: những đam mê không từ bỏ được gây ra nghiệp chướng khổ đau: tài (tiền bạc), sắc (sắc đẹp, vật chất của cải), danh (tiếng tốt, địa vị), thực (ăn uống), thùy (ngủ nghỉ, giải trí).
- Hữu lậu: ham sống, sợ chết, đưa mình đi tái sanh mãi.
- Kiến lậu: cái thấy sai lầm, tà kiến.
Tập khí, hệ Phát triển và Thiền Tông dùng từ này, ý nghĩa dường như rộng hơn từ “lậu hoặc”. Tất cả những thói quen, mình ưa thích, mình giỏi khéo nên làm hoài, lâu ngày huân tập trong tâm thức, thành những ấn tượng sâu sắc, đem qua đời sau tiếp tục huân tập nữa.
Kiết sử: những sợi dây trói buộc tâm mình, có thể từ đời quá khứ, cũng có khi ngay trong đời này, như tập quán của dòng họ tổ tiên hay gia đình mỗi người.
Tổng quát thì nội dung cũng tương tự lậu hoặc hay tập khí: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, ngã kiến, tà kiến, giới cấm thủ v.v…
Tùy miên: những xu hướng của tâm ẩn sâu có khi chính mình không hay biết, nhưng nó vẫn chi phối mình, cũng là: tham, sân, si, mạn, nghi, phiền não v.v…
Tóm lại tất cả những thứ này đưa tới kết quả chung là làm cho tâm bị ô nhiễm, không còn chân thật, không còn khách quan, mà tâm có cái thấy mê lầm, méo mó, điên đảo, mờ mịt, rối ren, dính mắc, phiền não.
Vấn đề thứ hai là những “thủ phạm” này thực sự là ai?
Những lậu hoặc hay tập khí, kiết sử và tùy miên, đâu phải có bên ngoài mình. Tất cả chỉ là những ảo tưởng do tâm mình tạo ra. Mình tưởng như vậy là tốt, là đúng cho mình và cho người khác, thì cũng là phục vụ cái ngã thôi. Nó không đúng với những chân lý khách quan của thiên nhiên và của cuộc đời.
Vậy chỉ vì ta chưa có trí tuệ, không biết phân biệt cái nào đúng, cái nào sai, đưa tới suy nghĩ sai, lời nói sai, hành động sai. “Thủ phạm” là chính mình, cái biết sai lầm, không có trí tuệ.
Nên cái bảo bối khắc phục cái ô nhiễm tâm chỉ là trí tuệ. Trí tuệ lại là cái bản thể thanh tịnh của tâm.
Biết vậy rồi, làm sao trở về bản thể thanh tịnh của tâm mình?
- Biết cảnh bên ngoài luôn luôn thay đổi, không thể nắm chắc bất cứ cái gì trên đời, nên bớt vướng mắc, không quá vui mừng hay không quá sầu khổ, đó là bằng trí tuệ (Anupassanā: quán vô thường).
- Biết cảm thọ luôn thay đổi, tùy theo nhân và duyên tiếp xúc, nên không dính mắc nhiều vào cảm thọ, không đưa tới ái, thủ và hữu để tái sinh (Pariksa: Quán nhân duyên).
- Biết như thực về đối tượng, thấy cái đang là, biết khách quan, trung thực, không diễn nói gì thêm (Vipassanā: tuệ minh sát).
- Biết thầm lặng về đối tượng, không gọi tên, không dán nhãn gì thêm (Samatha: tâm yên lặng) dẫn tới tâm dừng lại vững chắc, không dính mắc vào cảnh trong đời sống (Samādhi: tâm định).
- Biết rõ tâm mình, thường xuyên quan sát tâm, thấy rõ tâm đang trong sáng, trống rỗng, thênh thang (Niệm Xứ: Quán tâm), không có pháp ác, hay bất thiện (Giới đức).
Kết luận, chiếc “xe một số” chính là cái Biết, nó đưa ta từ bước đầu tới bước cuối con đường. Thực ra, có con đường nào đâu, vì cái biết là của mình, từ đầu nó vẫn trong sạch, tĩnh lặng, khách quan và chiếu sáng. Bạn hiền ơi, cứ lấy viên ngọc đó ra mà xài, hồn nhiên, đừng lăng xăng tạo tác gì thêm nữa.
Thiền viện. 2- 4- 2024
TN