ĐỐI TƯỢNG CỦA NHẬN THỨC
Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề "NHẬN THỨC"
(P: parijānanā: cognition; P: parijānāti: to cognize)
do Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn
Nguyên tắc
Cái gì được nhận ra đầu tiên trong một sát na, và nhận rõ cuối cùng qua những chuỗi sát na tiếp theo, là đối tượng của nhận thức. Đối tượng này được kết hợp bằng hai quá trình: một là nó xuất hiện trực tiếp trong sát na đầu tiên. Hình thể trừu tượng hay cụ thể của nó được giác quan thu nhận. Tiếp theo, nó được lập thành trong sự phân tích cô đọng và kiến giải của các tánh. Sau cùng là sự lãnh hội đầy đủ nghĩa và ý nghĩa của từng phần riêng biệt của tiến trình kích thích giác quan qua các tánh trong cơ chế tánh nhận thức biết. Tánh nhận thức biết (the nature of aware cognition) này là cơ chế tổng hợp giác quan. Thuật ngữ gọi là “tổng giác” (apperception). Vì nó là trung tâm nhận ra và biết rõ ý nghĩa của những thông tin từ các tánh truyền vào. Các tánh này gồm tánh thấy, tánh nghe, và tánh xúc chạm (gồm da, mũi, lưỡi).
Do đó, cái gì được nhận ra liền trong giác quan thì chỉ một sát na. Cái gì được nhận thức rõ rệt (distinctly cognized) luôn luôn là một chuỗi sát na nhận thức của cơ chế tổng giác (apperception).
Các loại đối tượng
Đối tượng nhận thức có ba loại: có mặt, vắng mặt, và siêu vượt (transcendent).
1) Có mặt - Khi một đối tượng được Phật nói có mặt, nó phải được thử nghiệm bằng tri giác trực tiếp. Thí dụ, như vàng ròng (the purity of gold) được thử bằng lửa. Còn với chủ đề Thở, Thấy, Nghe, Xúc chạm, hay Như thật thì được thực tập bằng giác quan trực tiếp để kích thích vào các tánh.
2) Vắng mặt - Nếu đối tượng (vàng ròng) không được nhận ra rõ ràng chính xác bằng sự hiểu biết thông thường, nó phải được thử bằng âm thanh. Đây là thử nghiệm bằng tri giác gián tiếp, tức bằng tuệ trí không lời, hoặc bằng sự phân tích của tánh giác. Thí dụ, như vàng ròng được thử bằng sự chạm vào đá. Ta nhận ra âm thanh trong trẻo của nó khác với âm thanh của vàng có pha trộn với kim loại khác. Ta phân biệt được giữa vàng thật và vàng giả. Trong lúc đó với chủ đề Tam Pháp Ấn, Lý Duyên Khởi, Pháp Duyên Sinh, Không Tự Tánh, Biến Dịch, hay Tánh Không, ta thực tập bằng tri giác gián tiếp qua lý luận hợp lý của lời dạy trong kinh và qua sự nhìn thấy bằng mắt tâm, tức tuệ trí không lời của ta.
3) Siêu vượt - Nhưng nếu đối tượng siêu vượt, không thể thử bằng lửa hay chạm đá, nó phải được thử bằng sự chứng minh khác, nhưng không mâu thuẫn, không biện chứng, như hạt ngọc (a jewel) không thể thử bằng lửa và chạm vào đá, vì cả hai thứ này không thích hợp để thiết lập sự ròng (the purity) của ngọc. Nó phải được thử nghiệm bằng kinh nghiệm sâu sắc, tức bằng tuệ trí nhanh lẹ (smart insights). Trong trường hợp này được xem như khi chúng ta có bài kinh liên hệ đến những chủ đề siêu vượt, ngoài lý luận do Phật thuyết như Chân Như, Không, chúng ta cần áp dụng tri giác ngoài giác quan, qua nhận thức không lời.
Sự khác nhau giữa hai nhận thức
Chúng ta cần phân biệt giữa hai đối tượng siêu hình và siêu vượt.
- · Đối tượng siêu hình thì không thể nhận biết được về hình thể, phẩm chất, nơi chốn, thời gian, và những cảnh giới mà những đối tượng đó sở hữu. Chỉ vì toàn bộ cảnh giới này nằm ngoài sự nhận thức bằng giác quan của con người. Thí dụ, các cảnh giới của chư Phật Mười Phương, của cõi Tây Phương Cực Lạc, của các Cõi Trời, cõi Địa Ngục, được mô tả trong các kinh điển Nguyên Thủy và Phát Triển...
- · Đối tượng siêu vượt thì có thể nhận biết chắc chắn và rõ ràng như chúng có mặt trong mỗi phần nhỏ của nhận thức của chúng ta, vì chúng là điều kiện cần của tính có thể của nhận thức kinh nghiệm nói chung, nhưng chính chúng không thể tượng trưng được trong hình ảnh qua cảm giác, chúng bất khả đắc (không thể được) bằng tri thức (knowledge). Trái lại, chúng khả đắc (có thể được) bằng nhận thức không lời.
- · Như vây, vật siêu hình là những khái niệm được thành lập. Chúng là huyễn hóa và không bao giờ là hiện thực trong nhận thức của cơ chế tánh giác. Siêu vượt là vật tối hậu như nó trong chính nó. Nó không những thực mà còn thực sự có trong chính nó, dù ta không cho một khái niệm gì vào nó. Lý do là vì bằng chính tinh túy (essence) của nó, nó không có khái niệm, ngoài ngôn ngữ biện chứng (dialectic language). Ta có khả năng nhận được chúng bằng nhận thức không lời.