Tánh Giác (Buddhitā)
Trong cái thấy, chỉ là cái thấy;
trong cái nghe, chỉ là cái nghe;
trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng;
trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri. (1)
Để bài này được rõ ràng xin được ghi những lời Thầy Cô dạy màu xanh, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học màu nâu và lời cảm tưởng của kẻ viết bài này sẽ màu đen nghiêng.
I. Lịch sử:
Đến Mỹ cuối năm 1992, đầu tiên Thầy ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Đến giữa năm 1993, Thầy có dịp đi vào thư viện của trường Đại học Y Khoa tại thành phố Seattle và được đọc tờ báo Scientific American, trong đó nói về 2 vùng Tánh Thấy và Tánh Nghe nằm sau bán cầu não trái…, hình chụp bằng máy PET (Positron Emission Tomography).
Hình A. Những bức hình Thầy đưa ra trong các khóa học
Lúc đó Thầy ước mơ rằng về sau mình sẽ có điều kiện thuận lợi để chụp hình 2 tánh là: Tánh Xúc chạm và Tánh Nhận thức biết, để cho trọn vẹn đủ 4 Tánh mà Đức Phật đã mô tả trong kinh Bāhiya (1) (2).
Tuy hồi xưa nghe Thầy giảng về Tánh Thấy và Tánh Nghe đã được đề cập đến trong tờ báo Scientific American, và Thầy cũng cho chúng con coi những bức hình đã được vẽ lại theo tạp chí National Geographie 1995 (hình A), nhưng mãi về sau này khi Thầy đã mất, con mới có thắc mắc là, các nhà khoa học đã khám phá ra điều gì mà Thầy nhận ra đó là vùng Tánh Thấy và Tánh Nghe mà Đức Phật dạy trong bài Kinh Bāhiya?
Trong tờ báo National Geographic năm 1995 tháng 6 (như trong bức hình Thầy đã ghi lại) thật ra chỉ vỏn vẹn có một bức hình và không có lời chú thích rõ ràng (hình B).
Hình B. Hình trong tạp chí National Geographic tháng 6, 1995
Nhờ có ghi tên nhà nghiên cứu, nên một thời gian sau đó chúng con tìm ra nghiên cứu này, được công bố vào năm 1988, trong đó các nhà khoa học đã sử dụng máy „chụp cắt lớp phát xạ positron“ (PET: positron emission tomography) để chụp ảnh các vùng hoạt động của não trong khi các tham dự viên nhìn các chữ hiện trên màn ảnh một cách thụ động, nghe chúng một cách thụ động, nói chữ đó ra thành lời hoặc suy nghĩ về cách kết nối các từ liên quan đến chữ này. Những hình này có thể nói là những bức hình PET đầu tiên về bộ não con người khi thực hiện một quá trình nhận thức phức tạp (3).
II. Nghiên cứu của Petersen và các nhà nghiên cứu khác (1988) (3)
Để hiểu các nhà khoa học đã khám phá ra điều gì mà Thầy nhận ra đó là vùng Tánh Thấy và Tánh Nghe mà Đức Phật dạy trong bài Kinh Bāhiya, chúng ta hãy xem lại bài nghiên cứu này.
Hình C: (a). Nhìn các chữ một cách thụ động. (b). Chỉ nghe các chữ một cách thụ động (4).
Phương pháp nghiên cứu:
Trong khi các tham dự viên nhìn các chữ hiện trên màn ảnh một cách thụ động (a) hay nghe chúng một cách thụ động (b) (hình C) lưu ý rằng trong nhiệm vụ đơn thuần giác quan và không trình bày chữ đó ra thành lời này, không có yêu cầu bất kỳ vận động nào (motor output, sự phát âm), cũng không có quá trình xử lý từ vựng có chủ ý.
(a) Đối với phương thức thị giác (a, hình C), các hoạt động kích hoạt vỏ não quan trọng chính nằm ở vùng vân (striate cortex), một phần nhỏ nằm ở các khu vực trước (Extrastriate cortex) cho đến ranh giới thái dương-chẩm (temporal-occipital boundary), những vùng này cho phép nhận thức thị giác. Vỏ não thị giác sơ cấp (primary sensory cortical area) (còn gọi là vùng vân = striate cortex hay V1) được phát hiện là trung tâm thị giác vào đầu thế kỷ 19. Trung tâm thị giác sơ cấp xử lý các thông tin thị giác đến từ võng mạc của mắt (5•6). Tuy nhiên, các vùng vỏ não chẩm nằm cạnh vỏ não thị giác sơ cấp (Extrastriate cortex) chỉ được kích hoạt khi một chữ từ được nhìn. Một chữ từ khi được nhìn sẽ được nhận ra bởi một mạng lưới tính toán liên hợp (cooperative computational network) bao gồm các cấp độ nhận ra hình dạng, chữ cái và từ ngữ (feature, letter and and word levels). Nhiều khu vực được kích hoạt (striate cortex và Extrastriate cortex) có thể đại diện cho các cấp độ khác nhau của một mạng như vậy.
(b) Đối với quá trình xử lý thính giác (b, hình C), các vùng hoạt động được tìm thấy ở hai bên trong vỏ não thính giác sơ cấp (primary auditory cortex, chịu trách nhiệm diễn giải tần số và âm lượng), và bên trái ở vỏ não thái dương-đỉnh (left-lateralized in temporoparietal cortex), vỏ não thái dương trên trước (anterior superior temporal cortex),... Vùng thái dương-đỉnh và vùng thái dương trên trước không được kích hoạt khi các kích thích thính giác không phải là lời của một từ ngữ, đây là vùng quan trọng cho sự mã hóa âm thanh (phonological coding).
Như vậy, khi các tham dự viên chỉ nhìn các chữ được chiếu trên màn hình hay nghe các chữ được trình bày thông qua loa gắn trong tai, khi họ chỉ nhìn hay nghe các chữ một cách thụ động như vậy, mà không nói ra thành lời và cũng không diễn giải thêm, thì các vùng trung tâm thị giác hay thính giác trong não sẽ hoạt động để xử lý một cách đơn thuần các thông tin từ mắt hay từ tai đến thành những lóe sáng biết đầu tiên về đối tượng, lúc này trong tâm chưa có sự hình thành những mạng lưới liên tưởng, ý tưởng... đối với các chữ này, kết quả này tương ứng với lời dậy của Đức Phật: Trong cái thấy, chỉ là cái thấy; trong cái nghe, chỉ là cái nghe (1). Tuy các vùng trung tâm thị giác hay thính giác đã được đề cập đến từ trước, nhưng qua bài nghiên cứu này với phương pháp PET các nhà khoa học mới có thể định vị các trung tâm này với chức năng của nó một cách chính xác. Điều lý thú là Thầy đã liên hệ đến lời dậy này của Đức Phật để xác định những vùng này là vùng Tánh Thấy hay Tánh Nghe, đây là sự kiến giải sâu sắc của Thầy, phối hợp lời dậy cúa Đức Phật với những kiến thức về não bộ.
Đức Phật còn dậy thêm „trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri“, nhưng trong bài nghiên cứu này không hề đề cập đến, đó chắc cũng là lý do Thầy muốn thực hiện nghiên cứu chụp hình não bộ của mình để mượn khoa học của Tây phương tìm ra thêm vùng Nhận thức biết (thức tri) và vùng Xúc chạm (thọ tưởng) thực sự ở đâu trên vỏ não? Ý nghĩ “3 Tánh cùng mở” hiện ra như thế nào trên vùng tam giác của 3 thùy: chẩm, thái dương, và thùy đỉnh, khi thực hành Thiền? (2)
Nhờ những duyên lành mà chương trình nghiên cứu chụp hình não bộ của Thầy tại Tuebingen từ năm 2007 đến năm 2013 đã được thực hiện và ước mơ chứng minh 4 Tánh (Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Xúc chạm, và Tánh Nhận thức biết) do đức Phật đã giảng dạy cho ông Bāhiya trong kinh Bāhiya đã thành công (hình D).
Hình D. Bốn tánh đồng mở
Chúng ta hãy trở lại bài nghiên cứu:
Hình E. các tham dự viên nói chữ đó ra thành lời (4)
(c). các tham dự viên nói ra từng chữ (hình E): khi các từ được lặp lại nói ra thành lời, các khu vực liên quan đến các hoạt động vận động và mã hóa liên hợp (motor output and articulatory coding) được kích hoạt. Nói chung, cho sự trình bày qua thị giác và thính giác, các vùng giống nhau đã được kích hoạt, vùng chính bao gồm vùng miệng của vùng vận động sơ cấp (mouth representation of primary motor cortex).
Hình F. Đường đi trong não bộ khi chúng ta định danh đối tượng (7)
Như vậy, đường đi trong não bộ được hình thành khi chúng ta nhìn hay nghe các đối tượng (ở đây là các chữ), các tín hiệu giác quan sẽ đi vào trung tâm vỏ não thị giác hay thính giác, rất nhanh chúng sẽ đi đến các vùng khác (vùng Wernicke, Broca) để được nhận ra, được nói ra trong não và được phát ngôn (vùng vỏ não vận động sơ cấp, để cử động miệng, lưỡi) (hình F). Do đó chúng ta hay gặp khó khăn khi tập Pháp Không Định Danh đối tượng, do thói quen định danh các đối tượng khi giác quan tiếp xúc đối tượng, dẫn đến sự lập đi lập lại quá nhiều lần con đường „Định Danh“ này trong não bộ. Con đường này đã trở thành một con đường mòn và các tín hiệu không ngừng lại ở các trung tâm giác quan mà sẽ được tự động truyền đi nhanh chóng ra các vùng não phía trước để chúng ta nói về đối tượng.
Hình G. các tham dự viên nói một động từ phù hợp khi nhìn một chữ danh từ trên màn ảnh (4)
(d). các tham dự viên nghe (qua thính giác) hoặc nhìn thấy (qua thị giác) một chữ danh từ và nói các động từ phù hợp ra thành lời (thí dụ thấy chữ „Búa“ thì nói „Đập“): ở đây các nhà nghiên cứu nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực liên quan đến nhiệm vụ xử lý ngữ nghĩa: liên kết động từ-danh từ (verb-noun association). Kết quả cho thấy hai khu vực của vỏ não đã được kích hoạt cho cả hai đường thính giác và thị giác (hình G):
-Vùng trán phía dưới bên trái (left inferior frontal) đã được xác định gần như chắc chắn có liên quan đến quá trình xử lý liên kết ngữ nghĩa (semantic association).
-Vùng thứ hai, tiền hồi đai (anterior cingulate gyrus), dường như là một phần của hệ thống chú ý phía trước (anterior attentional system) liên quan đến việc lựa chọn hành động.
Hình H. Đường đi trong não bộ từ các trung tâm giác quan đến vùng tiền trán (8)
Hình H cho thấy, các tín hiệu giác quan cũng có thể được truyền tiếp đến các vùng vỏ não liên kết (prefrontal asociation cortex) ở vùng tiền trán cho những suy nghĩ phức tạp và lý luận (9).
III. Qua bài nghiên cứu này, chúng ta có thể nhận ra những điều sau đây:
-Như vậy, những trung tâm giác quan này giúp chúng ta khi giác quan tiếp xúc với đối tượng sẽ có cái biết đầu tiên đơn thuần về đối tượng, tạo ra lóe sáng biết đầu tiên về đối tượng, lúc này chưa có quá trình xử lý liên kết với đối tượng như nói ra tên hoặc suy nghĩ. Nên chức năng này tương ứng với chức năng của tánh giác (trong tánh giác không có sự suy nghĩ, biết rõ ràng mà không dính mắc với đối tượng, đặc tính của nó là biết không lời), cũng tương ứng với lời dậy của Đức Phật trong bài kinh Bāhiya (1).
Khi các tín hiệu nằm ở các vùng Tánh Thấy, Nghe, Xúc chạm thì Tánh giác xuất hiện, còn khi các tín hiệu được truyền tiếp ra vùng não trước thì quá trình xử lý liên kết với đối tượng như nói ra tên hoặc suy nghĩ sẽ hoạt động. Tóm lại, hễ có suy nghĩ, không có tánh giác. Có tánh giác không có suy nghĩ (10).
- Trong bộ não bình thường của con người, ai cũng đều có những trung tâm giác quan này, chúng làm việc liên tục, để thâu nhận những tín hiệu từ các giác quan chuyển đến, tổng hợp, liên kết..và nhờ vậy, chúng ta mới đứng, đi...được, tuy là khi đứng hay khi đi chúng ta vẫn mãi mê suy nghĩ miên man. Như vậy mỗi người chúng ta đều có Tánh Giác, Tánh Giác tuy có sẵn trong mỗi con người nhưng thường không hiển lộ vì chúng ta thường không nhận ra mình vốn đã có sẵn niệm biết đó rồi, không để ý tới, nên bị niệm khác dẫn đi lang thang (11). Đó là những lúc ta lái xe, niệm biết tuy có mặt mà trong đầu vẫn suy tính miên man những chuyện linh tinh khác; biết lặt rau, rửa bát mà niệm nói thầm không bao giờ dứt; lặng lẽ bước chân đi trong thiền hành mà tâm ngôn cứ khởi động...(10). Vậy Tánh giác không hiển lộ được chỉ vì bị đám mây vô minh vọng tưởng che lấp; hay „mặt trời trí huệ (Tánh Giác) chỉ hiển lộ, khi mây vô minh vọng tưởng bị xua tan bởi sự dừng lại của quán tính suy luận trí năng hay tư duy biện luận“ (12).
- Những cách thực hành thí dụ như „Nhìn lướt“ (13), giúp chúng ta nhận ra cái lóe sáng Biết đầu tiên, trong chính cái sát na đó, có cái Biết tức khắc gọi là Tánh Biết qua thấy, hay Tánh Thấy, giúp chúng ta nhận ra cái trạng thái tâm yên lặng trống không, Biết rõ mà không nói thầm. Có thế nói, đây là con đường đi vào Gốc vì có tác dụng thẳng đến các vùng trung tâm giác quan làm Tánh Giác hiển lộ.
-Tuy con đường này đơn giản, trực tiếp nhưng cho Tâm Phàm Phu đầy dính mắc thật không dễ dàng. Tại sao? Vì khi Tâm chúng ta đầy dính mắc, trong lúc tiếp xúc với đối tượng, không hề nhận ra đối tượng mà chỉ lo nói thầm „càm ràm“ trong tâm, quán tính nói thầm này trong não bộ quá mạnh làm các tín hiệu về đối tượng sẽ đi qua một con đường khác và đi thẳng đến vùng tiền trán, con đường này không hề đi qua các trung tâm giác quan, như vậy con đường „dính mắc“ này không hề đi qua Gốc „Tánh Giác“ mà đi đường khác để ra Ngọn „Tiền Trán“. Đức Phật khi dậy về Ngũ Uẩn (Sắc Thọ Tưởng Hành Thức) đã trình bày về con đường này của Tâm Phàm Phu. Một loại Tâm Phàm Phu khác, khi ý hành trong Tâm làm việc miên man, hết lo suy nghĩ tính toán chuyện này chuyện kia thì các đối tượng giác quan cũng sẽ không được để ý tới. Và vì vậy rất khó khăn để có được kinh nghiệm với cái Lóe sáng Biết đầu tiên.
-Ngoài ra, do quán tính nói thầm triền miên về các đối tượng khi giác quan tiếp xúc với đối tượng, dẫn đến sự lập đi lập lại quá nhiều lần con đường được truyền tiếp đến các vùng vỏ não liên kết (prefrontal asociation cortex) ở vùng tiền trán trong não bộ (hình H). Con đường này đã trở thành một con đường mòn và các tín hiệu không ngừng lại được ở các trung tâm giác quan mà sẽ được tự động truyền đi nhanh chóng ra các vùng não phía trước làm cái lóe sáng đầu tiên trở nên quá ngắn ngủi và không còn rõ ràng đế được nhận ra. Hoặc dù chúng ta có nhận ra được, cái lóe sáng đầu tiên này khó trở thành một niệm biết liên tục, đó là lý do Tánh Giác dù có xuất hiện nhưng không thể hiển lộ thuờng trực được.
-Một điểm rất quan trọng nữa là niệm Biết Không lời của giác quan này chỉ được lưu lại rất ngắn ngủi trong vùng ký ức giác quan, khoảng trong vài mili giây đến vài giây. Để được ghi lại lâu dài trong vùng ký ức của vùng Tánh Nhận Thức hay Precuneus, cần có sự lập đi lập lại, thực tập nhiều lần để niệm biết trở thành một thực tại rõ ràng trong tâm, rồi từ niệm biết này phát triển thành Nhận thức Biết (14). Vì Precuneus là Lõi của não bộ và chức năng của nó là Liên Kết các Trạm Tiếp Vận (cơ cấu mạng lưới, dưới đồi và đồi thị) để tạo mạng lưới yên lặng toàn bộ các định khu trong Não và Võ Não (15) nên sự an trú trong Precuneus là mấu chốt rất quan trọng, là điều kiện cần thiết để Tánh Giác hiển lộ thuờng trực và chúng ta mới có thể hằng sống với Tánh Giác được.
Minh Tuyền,Tháng mười 2023
_____________________
(1) Kinh BĀHIYA (UDĀNAPĀḶI - PHẬT TỰ THUYẾT udāna 1.10)
Kinh Bāhiya là bài kinh Phật dạy liên hệ đến những chức năng bên trong cơ chế tánh giác gồm tánh thấy, tánh nghe, tánh xúc chạm và nhận thức không lời. Đây là bài kinh được chúng tôi rút ra từ trong kinh Phật Tự Thuyết, Chương 1 Phẩm Bồ Đề, thuộc Tiểu Bộ Kinh của kinh tạng Pāli, thuộc hệ kinh Nguyên Thủy.
Trong kinh, Phật dạy: Trong cái thấy, chỉ là cái thấy; trong cái nghe, chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri. Ở đây Phật dạy tự mình phải nhận ra 4 tánh trong cơ chế tánh giác. “Trong cái thấy, chỉ là cái thấy.” Khi tiếp xúc với đối tượng, chỉ có tánh Thấy mà thôi. Trong đó không có “cái Ta.” Nếu có “cái Ta” là cái thấy không còn là cái thấy khách quan như thực nữa. Mà là “tôi thấy.” Đó là cái thấy bị “cái Ta” can thiệp vào. Trong cái nghe, chỉ là cái nghe. Đây là cái nghe của tánh Nghe. Trong khi nghe, chỉ biết nghe mà không suy luận về nội dung âm thanh như thế nào. “Trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng.” Đó là trong cái xúc chạm chỉ có tánh xúc chạm mà không có diễn dịch điều gì trong đó. “Trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri.” Đó là Phật dạy khi có nhận thức điều gì, chỉ giữ trạng thái nhận thức Biết không lời, mà không thêm nội dung gì trong đó. Đây là nhận thức trống rỗng về đối tượng. “Do vậy, ông không là chỗ ấy.” Tức là chỗ đó không có tự ngã hay không có “cái Ta.” Vì chỗ đó chỉ là trạng thái thầm nhận biết khách quan của tánh giác nên không có “cái Ta.” “Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.” Tức là nếu đạt được 4 trạng thái trên thì ông Bāhiya đạt được giải thoát ngay trong đời này. Điều này có nghĩa ông đã triệt ngộ nguyên lý Vô ngã nên ông đạt được Niết bàn khi còn sống, tức là đạt quả vị A la hán, sẽ không còn tái sinh trong đời sau (Bài của Thầy Thích Thông Triệt https://www.tanhkhong.org/a3421/ht-thich-thong-triet-kinh-b-hiya).
(2) Tôi biết gì về? Thiền dưới ánh sáng khoa học, HT Thích Thông Triệt: 2013
(3) Positron emission tomographic studies of the cortical anatomy of single-word processing, S E Petersen, P T Fox, M I Posner, M Mintun, M E Raichle, Nature · March 1988.
(4) https://www.slideserve.com/iliana-sharpe/sprache-und-lateralisation
(5) Mapping human visual cortex with positron emission tomography, Peter T. Fox, Mark A. Mintun, Marcus E. Raichle, Francis M. Miezin, John M. Allman & David C. Van Essen , Nature volume 323, pages806–809 (1986)
(6) Retinotopic Organization of Human Visual Cortex Mapped with Positron-Emission Tomography, Peter T. Fox, Francis M. Miezin, John M. Allman, David C. Van Essen and Marcus E. Raichlei, The Journal of Neuroscience, March 1987, 7(3): 913-922
(7) https://luyenthinoitru.com/tai-lieu/sinh-ly-than-kinh-cac-vung-van-dong-vo-nao_86.html
(8) https://commons.wikimedia.org/wiki/File:Posterior_Parietal_Lobe.jpg
(9) Higher-Order Cortical Representations. Purves, D., Augustine, G. J., Fitzpatrick, D., Katz, L. C., LaMantia, A.-S., McNamara, J. O., and Williams, S. M. (2001).
(10) Kỹ Thuật thực hành, HT Thích Thông Triệt: https://www.tanhkhong.org/a211/bai-doc-them-ky-thuat-thuc-hanh
(11) Bài đọc thêm: Định là gì? HT Thích Thông Triệt.
(12) Tánh giác từ đâu đến? HT Thích Thông Triệt: https://www.tanhkhong.org/a3583/ht-thich-thong-triet-tanh-giac-tu-dau-den-
(13) Không gì đơn giản bằng, Ni Sư Triệt Như: https://www.tanhkhong.org/a2569/triet-nhu-snhp016-khong-gi-don-gian-bang
(14) Precuneus và ký ức, Minh Tuyền https://www.tanhkhong.org/a3578/precuneus-va-ky-uc
(15) tư liệu Kỹ thuật và tác dụng an trú trong tâm Tathà, HT Thích Thông Triệt: 2013.